Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các doanh nghiệp quảng cáo ứng dụng chuyển đổi số để thích ứng với dịch COVID-19

(VTC News) -

Đại dịch COVID-19 dã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh để thích ứng với sự biến đổi của môi trường và sự cạnh tranh khốc liệt của chính các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc một doanh nghiệp truyền hình cho biết, nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao, đặc biệt giải trí theo yêu cầu, dẫn tới thị trường dịch vụ Truyền hình trên mạng Internet (OTT) càng trở nên sôi động. Thị trường truyền hình OTT hiện đang cạnh tranh rất gay gắt, với hàng trăm ứng dụng trong và ngoài nước, từ ứng dụng chính thống cho tới ứng dụng lậu.

“Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cần mạnh mẽ chuyển đổi số để tiếp cận nhu cầu khách hàng nhanh chóng và nhiều hơn”, ông Thành nói.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của truyền hình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng thông tin giải trí của khách hàng.

Đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Internet băng rộng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã làm tăng đột biến nhu cầu thưởng thức thông tin, giải trí trên các dịch vụ truyền hình OTT của người dân.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện cả nước có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng. Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet.

Trong đó, có tổng cộng 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động.

Về các kênh, Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 199 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng. Thống kê doanh thu năm 2020 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỉ đồng. Ước tính năm nay, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt khoảng 8.400 tỉ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với năm ngoái. Con số giảm không nhiều, bất chấp dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề.

Thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy, trong số 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng.

Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và nhà nước giúp các doanh nghiệp truyền hình sớm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số để thích ứng với môi trường cạnh tranh và biến đổi hiện nay.

Đại diện nhà mạng MobiFone (truyền hình MobiTV, truyền hình OTT ON+…) cho biết: “Truyền hình trên mạng Internet (OTT TV, truyền hình OTT) có tốc độ tăng trưởng rất nóng từ cả thuê bao lẫn doanh thu, trong đó doanh thu tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ 2017-2019. Hiện cả nước có 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó 20 doanh nghiệp là cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Tuy nhiên, con số thực tế thì nhiều hơn do thị trường còn có sự tham gia của rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, Tencent, Baidu…”.

Đại diện VinaPhone đơn vị sở hữu truyền hình MyTV cho hay: “để cạnh tranh với truyền hình trong nước và doanh nghiệp ngoại ngoài việc đảm bảo kho nội dung lên tới hàng trăm nghìn giờ nội dung, MyTV hiện đang đầu tư mạnh vào các nội dung khác biệt, đặc biệt những thể loại nội dung được khán giả ưa chuộng như phim ảnh, âm nhạc, thiếu nhi, thể thao… Với nội dung đa dạng, khác biệt về cả kênh và video theo yêu cầu (VOD), MyTV tự tin có thể cạnh tranh với các ứng dụng này trong bối cảnh có môi trường cạnh tranh sòng phẳng, công bằng”.

Thời gian vừa qua, tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ truyền hình OTT nói riêng đã phục vụ tốt nhu cầu thông tin, giải trí của người dân đặc biệt trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19. Đây sẽ là một tín hiệu tích cực nếu các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 để chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ.

PHẠM DUY

Tin mới