Những ngày qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo về việc có thể xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4 ở Việt Nam. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 càng cao khi nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng cao, nhiều lễ hội tập trung đông người.
Trước tình hình trên, nhiều tỉnh, thành phố kêu gọi các đơn vị và người dân chung tay chống dịch COVID-19, đồng thời ra khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân.
Tại Hà Nội, chiều 28/4, phát biểu kết luận hội nghị giao ban công tác tháng 4/2021 của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu thắt chặt công tác phòng dịch COVID-19, nâng cảnh báo nguy cơ lên mức độ cao, sẵn sàng kịch bản ứng phó với mọi tình huống.
“Thành phố kêu gọi toàn cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt cao nhất tinh thần phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay; bởi nếu chủ động phòng ngừa, kiểm soát tốt dịch bệnh thì Hà Nội mới có thể thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, và các nhiệm vụ chính trị được giao trên địa bàn”, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh phân tích.
Từ đó, Chủ tịch Hà Nội giao Sở Y tế, BCĐ phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan bám sát triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng, chỉ đạo của Thành ủy, Công điện số 03 của Chủ tịch UBND TP.
Nhiều người dân ở Hà Nội vẫn chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng sau những khuyến cáo của thành phố.
Ngoài ra, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất căng thẳng. Vì vậy, Thành phố Hà Nội đã nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch lên.
"Thành phố (TP) yêu cầu tất cả người dân cần phải chủ động khai báo y tế bằng nhiều kênh khác nhau như mã QR, website tokhaiyte, cài đặt Bluezone... và nghiêm ngặt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K của ngành Y tế, phải đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn tay thường xuyên", ông Hạnh nói.
Ông Hoàng Đức Hạnh cũng khuyến cáo người dân trong dịp nghỉ lễ "tốt nhất không nên đi đâu", không được tập trung đông người, hạn chế mọi hoạt động tụ tập không cần thiết như tham gia các hoạt động du lịch, đi chơi dịp nghỉ lễ.
"Do tình hình các nước trên thế giới rất phức tạp, đặc biệt các nước láng giềng của nước ta, vì vậy, người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch", ông Hạnh cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo TP đã có chỉ đạo Công an Hà Nội sẽ thực hiện việc kiểm tra giám sát, xử phạt nghiêm khắc. Những người cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Tại TP.HCM, ngày 26/4, tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu kích hoạt lại toàn bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu ngành y tế thực hiện các kịch bản trong trường hợp có các ca bệnh nếu xuất hiện trong cộng đồng, số lượng ca bệnh gia tăng và thực hiện cách ly.
“TP.HCM tuyệt đối không được chủ quan, phải quyết liệt các biện pháp chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua. Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như kiểm tra ngẫu nhiên tại các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như bến tàu, bến xe. Tăng cường thực hiện tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng”, ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch bệnh COVID-19; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn mình quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe.
Tại tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên vừa ra lời kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và người dân tỉnh Phú Yên chung tay chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương kêu gọi chung tay chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới và có nguy cơ bùng phát trở lại ở Việt Nam bất cứ lúc nào. Do đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng có những chỉ đạo đến các địa phương khẩn trương và quyết liệt phòng chống dịch, bảo vệ an toàn cho đất nước, cho người dân.
"Muốn đất nước an toàn thì từng địa phương phải an toàn, từng nhà phải an toàn, từng người dân phải an toàn. Mỗi người dân tự bảo vệ mình không bị nhiễm dịch bệnh là góp phần bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Tôi kêu gọi người dân trong tỉnh Phú Yên nâng cao ý thức phòng dịch, tuyệt đối chấp hành các quy định phòng dịch của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các cấp, ngành chức năng.
Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế", ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, trong dịp lễ 30/4-1/5, có thể nhiều du khách sẽ đến tham quan du lịch tại tỉnh nên đề nghị du khách chấp hành các quy định phòng dịch của địa phương, tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Ngày 26/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hải Phòng, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch xây dựng trước đó.
Ông Nam đánh giá nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn cao bởi xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép còn tiềm ẩn, mầm bệnh có thể còn tồn tại trong cộng đồng nên để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua thì cần phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.
Người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch COVID-19.
Tối 28/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng phát đi thông báo việc sẽ không tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ 2021, Liên hoan du lịch Đồ Sơn - Sắc màu của biển 2021 và chương trình Khai mạc du lịch Cát Bà 2021.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo rà soát việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động tập trung đông người, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng; căn cứ tình hình dịch bệnh quyết định không tổ chức các hoạt động chưa thực sự cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cũng trong dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm quy mô tổ chức các sự kiện và dừng bắn pháo hoa ở các điểm dự kiến trên địa bàn để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19; kinh phí từ việc dự kiến bắn pháo hoa sẽ được sử dụng vào việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch.
Chiều 28/4, UBND TP Đồng Hới (Quảng Bình) có thông báo về việc dừng tổ chức các hoạt động Tuần Văn hoá - Du lịch Đồng Hới năm 2021 để phòng dịch COVID-19.
Tối 27/4, Bộ Y tế đã gửi các thông tin khuyến cáo đến người dân nâng cao ý thức phòng dịch khi đi chơi lễ thông qua trang Zalo chính thức. Theo đó, người dân cần: Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết; luôn đề cao cảnh giác PCD, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời; thực hiện tốt Khuyến cáo 5K; liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Cùng với đó, những người thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ để Việt Nam có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Để nhận tin, ngay trên ứng dụng Zalo người dân tìm kiếm “Bộ Y tế” và nhấn “Quan tâm”. Ngoài ra, người dân còn có thể xem nhanh cẩm nang về dịch bệnh, cách phòng tránh, số điện thoại đường dây nóng tư vấn thông tin về dịch bệnh này. Tất cả được tích hợp sẵn trên thanh công cụ, giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt thông tin mình muốn chỉ với 1 thao tác bấm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cùng các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, An Giang, Hà Giang, Gia Lai, Bình Thuận, Bắc Giang, Lạng Sơn đồng loạt gửi các thông tin như khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng chống dịch, các quy định hạn chế tối đa tụ tập đông người hay các chỉ thị tạm dừng các lễ hội và sự kiện đông người đến người dân thông qua trang Zalo chính thức của tỉnh.
Đồng thời, thông tin mới nhất về tình hình dịch COVID-19 liên tục được cập nhật trên trang Zalo chính thức của các Bộ, Sở ban ngành các tỉnh, thành phố.