Trong các cuộc xung đột gần đây, vai trò của những chiếc UAV ngày càng quan trọng trên chiến trường, tất cả các bên tham chiến đều tận dụng tối đa chức năng của thứ vũ khí này, từ trinh sát, theo dõi, vận tải, truyền tin và tấn công tiêu diệt mục tiêu.
So với các loại vũ khí thông thường, công nghệ để chế tạo máy bay không người lái rất sẵn có và chi phí thấp. Vào năm 2014, một nhóm nghiên cứu thuộc tổ chức tư vấn bảo mật có trụ sở tại Virginia (Mỹ), đã tạo ra một máy bay không người lái quân sự bằng cách sử dụng thiết bị điện tử thương mại, khung máy bay in 3D và phần mềm mã nguồn mở. Giá của chiếc máy bay chỉ khoảng 2.000 USD.
Do đó, nếu sử dụng cả một phi đội máy bay không người lái thì nó vẫn có chi phí thấp hơn rất nhiều khi so với chi phí của một quả tên lửa vác vai, chứ chưa nói đến một máy bay chiến đấu hiện đại. Ví dụ, máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ có giá hơn 300 triệu USD. Máy bay ném bom B-2 lên tới 3,6 tỷ USD.
Ngay cả một máy bay không người lái đơn độc cũng có thể gây ra nhiều thiệt hại. Ví dụ tại chiến trường Ukraine, một máy bay không người lái do lực lượng thân Nga điều hành đã tấn công một số bãi chứa đạn dược bằng lựu đạn gây cháy. Họ đã phá hủy một số bãi chứa này, trong một trường hợp đã gây ra vụ nổ làm nổ tung 70.000 tấn đạn dược. Hay những chiếc UAV rẻ tiền của Ukraine cũng có thể phá hủy những thiết bị quân sự “triệu đô” của Nga một cách dễ dàng.
Trong cuộc chiến với IS, trung tướng Stephen Townsend, cựu chỉ huy chiến dịch chống IS của Mỹ, đã gọi máy bay không người lái được trang bị vũ khí là “mối đe dọa số một mà những người lính đang chiến đấu với IS phải đối mặt”. Một tài liệu ngân sách của hải quân Mỹ cũng mô tả đang “tìm cách để cải thiện khả năng phòng thủ trước khả năng phát triển nhanh chóng của các thiết bị điều khiển từ xa”.
Máy bay không người lái của Al Houthi bị lực lượng chính phủ Yemen bắn rơi.
Hệ thống phòng thủ hiện tại của nhiều quốc gia không được trang bị để đối phó với máy bay không người lái nhỏ, rất khó phát hiện, xác định và theo dõi, đặc biệt là khi chúng tấn công với số đông theo kiểu “bầy đàn” thì sẽ rất khó để ngăn chặn.
Gây nhiễu có thể được coi là một giải pháp rõ ràng. Phá vỡ các liên kết vô tuyến giữa người điều khiển và máy bay không người lái, hoặc gây nhầm lẫn cho điều hướng GPS của nó, sẽ khiến máy bay không người lái gặp sự cố hoặc khiến nó đi chệch hướng.
Nhiều thiết bị gây nhiễu, với những cái tên như Dedrone, DroneDefender và DroneShield đã được sử dụng bởi các quốc gia khác nhau. Nhiều máy bay không người lái trong cuộc tấn công vào các căn cứ của Nga tại Syria vào năm 2020 đã bị hạ gục bởi những thiết bị gây nhiễu như vậy, những chiếc còn lại bị bắn hạ bởi súng và tên lửa.
Tuy nhiên, máy bay không người lái ngày càng trở nên tự chủ trong hoạt động. Điều này có nghĩa là không có liên kết vận hành nào để gây nhiễu. Các máy bay không người lái dễ bị gây nhiễu vì chúng dựa vào GPS và do đó khi liên kết của chúng bị chặn thì máy bay sẽ mất khả năng chiến đấu.
Nhưng các công nghệ mới như điều hướng quang học (cho phép máy bay không người lái so sánh môi trường xung quanh với bản đồ điện tử trên máy bay và do đó biết nó ở đâu) sẽ khiến ngay cả thiết bị gây nhiễu GPS cũng trở nên vô dụng. Do đó, cần có “giải pháp động học” để bắn hạ máy bay không người lái.
Binh sĩ Ukraine thực hành phóng và thu hồi máy bay không người lái DJI Mavic (Ảnh: New York Times)
Tuy nhiên, việc bắn hạ máy bay không người lái nhỏ là nhiệm vụ rất khó khăn. Một cuốn sách hướng dẫn của quân đội Mỹ mô tả những chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ là “rất khó bị đánh bại khi sử dụng vũ khí bắn trực tiếp”. Súng bộ binh gần như vô dụng khi đối đầu với UAV, vì rất khó để bắn trúng và điều đó có nghĩa là các đội phải luôn mang theo một vũ khí bổ sung để phòng trường hợp bị máy bay không người lái tấn công.
Ngoài ra, vì máy bay không người lái không có kích thước tiêu chuẩn nên rất khó ước tính phạm vi mục tiêu. Do đó, cuốn sách hướng dẫn của Mỹ gợi ý rằng thay vì nhắm trực tiếp vào máy bay không người lái, thì nên tập trung hỏa lực để bắn đón vào một điểm cố định phía trước của máy bay, với hy vọng hạ gục chiếc máy bay bằng một màn hỏa lực dày đặc.
Trong số các dự án khác, quân đội Mỹ cũng đã từng gấp rút nâng cấp tên lửa Stinger vác vai, được sử dụng để tấn công máy bay và trực thăng bay thấp. Tuy nhiên, Stingers không được thiết kế để bắn trúng máy bay không người lái nhỏ, vì vậy, bản nâng cấp bổ sung thêm ngòi nổ tiệm cận sẽ phát nổ khi tên lửa ở đủ gần để tiêu diệt máy bay không người lái mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp.
Mỹ sẽ trang bị những tên lửa nâng cấp này cho các đơn vị bộ binh trên khắp thế giới. Nhưng các bản nâng cấp có giá khoảng 55.000 USD mỗi chiếc (chưa tính đến chi phí cơ bản là 120.000 USD của một chiếc Stinger), vì vậy chỉ có 1.147 chiếc được mua, hầu như không đủ để các đơn vị của Mỹ có thể xử lý một bầy máy bay không người lái.
Hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx (CIWS) của Mỹ
Một vấn đề tương tự cũng xảy ra trên biển, nơi các con tàu trị giá hàng tỷ USD có thể bị áp đảo bởi các phi đội máy bay không người lái giá rẻ. Trụ cột của lực lượng phòng không hải quân Mỹ là hệ thống Aegis, được trang bị các radar được kết nối tự động với máy tính, tên lửa và súng máy.
Lợi thế của Aegis là được trang bị một khẩu pháo bắn nhanh có tên là Phalanx, bắn ra 75 viên đạn mỗi giây và có thể bắn hạ các tên lửa hành trình đang lao tới. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không thể đối phó hiệu quả với nhiều máy bay không người lái nhỏ tấn công cùng một lúc.
Hải quân Mỹ hiện đang nâng cấp phần mềm của Aegis để xử lý nhiều mục tiêu đến đồng thời, bằng cách lập kế hoạch cho các đợt bắn để tiêu diệt càng nhiều UAV cùng một lúc càng tốt. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ liệu một khẩu súng có thể giải quyết được nhiều mục tiêu tấn công đến từ mọi hướng cùng một lúc hay không.
Các nhà phát triển các biện pháp chống máy bay không người lái hy vọng sẽ khắc phục điều đó bằng cách sử dụng vũ khí laser. Các tia laser tấn công mục tiêu với tốc độ ánh sáng, có nguồn cung cấp đạn dược không giới hạn và chi phí dưới 1 USD cho một lần bắn.
Câu hỏi quan trọng là một hệ thống laser như vậy có thể phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu nhanh đến mức nào, đồng thời chùm tia phải phát trên mục tiêu trong bao lâu để tiêu diệt nó. Toàn bộ quá trình có thể mất vài giây và cho đến khi hoàn tất, tia laser sẽ không thể tiếp tục lặp lại quy trình trên các mục tiêu khác.
Như với khẩu súng Phalanx, một tính toán đơn giản cho thấy các tia laser chống máy bay không người lái sẽ chỉ có thể đối phó với một số lượng nhỏ kẻ tấn công. Nếu thậm chí một máy bay không người lái vượt qua được, thì tia laser có thể sẽ là mục tiêu ưu tiên, vì việc tiêu diệt được vũ phòng thủ này sẽ mở đường cho một cuộc tấn công tiếp theo.
Máy bay không người lái Orlan-10 của Nga trong cuộc tập trận quân sự Vostok 2018 (Ảnh: TASS)
Do đó, một tài liệu của quân đội Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn máy bay không người lái trước khi chúng có thể cất cánh. Các xưởng và nhà điều hành máy bay không người lái cần phải bị tiêu diệt. Tuy nhiên UAV giá rẻ có thể được sản xuất ở bất cứ đâu, vì vậy việc xác định ra cơ sở sản xuất hay nơi tập kết của thứ vũ khí này là quá khó khăn.
Hiện nay, việc sản xuất và sử dụng UAV giá rẻ không chỉ từ các nhóm phiến quân hay lực lượng ly khai, mà nhiều cường quốc quân sự cũng đã bắt tay vào chế tạo nhiều mẫu UAV giá rẻ, với tiềm lực lớn như Trung Quốc, Nga họ có thể chế tạo ra rất nhiều mẫu UAV có giá thành chưa đến 1.000 USD, so về chi phí và hiệu quả thì chúng là những vũ khí rất hiệu quả và được ưa chuộng.
Binh sĩ Nga với UAV Orlan-10 trên chiến trường Ukraine.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng là nơi để các loại UAV phô diễn sức mạnh và thay đổi cách nhìn của thế giới về chiến tranh hiện đại, rất nhiều loại UAV được các bên tung vào chiến trường và nó đã gây nên những thiệt hại rất lớn cho các bên tham chiến.
Cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu như Mỹ cũng đang “đau đầu”, chật vật tìm cách khắc chế thứ vũ khí này nhưng vẫn chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả. Điều này càng khẳng định sự nguy hiểm của UAV giá rẻ trong chiến tranh tương lai. Cho đến khi có hệ thống phòng thủ đầy đủ, thì máy bay không người lái giá rẻ vẫn sẽ là một mối nguy hiểm thực sự.