Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Anadolu, Ngoại trưởng Cavusoglu đã giải thích lý do Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tránh leo thang căng thẳng khi nỗ lực bảo trợ các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột.
Tàu chiến các nước NATO tham gia tập trận hải quân ở Biển Đen năm 2018. (Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh)
“Nếu chúng tôi cũng tham gia vào làn sóng trừng phạt, chúng tôi sẽ không thể thực hiện vai trò trung gian như hiện nay. Chúng tôi đã thực hiện Công ước Montreux đối với tàu chiến, nhưng chúng tôi vẫn để mở bầu trời”, ông Cavusoglu nói, đề cập tới thỏa thuận năm 1936 trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát giao thông hàng hải ở Biển Đen.
“Chúng tôi đã hoãn hoặc hủy các cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước của NATO để phù hợp với công ước và các nghĩa vụ của mình”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã viện dẫn Công ước Montreux để từ chối cho phép một số tàu chiến Nga tiếp cận Biển Đen qua eo biển Bosphorus kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát cuối tháng 2. Tuy nhiên, Ankara vẫn để các tàu Nga quay trở về căn cứ thường trực, theo đúng như các điều khoản trong công ước.
Dù Ngoại trưởng Cavusoglu không nêu cụ thể cuộc tập trận nào đã bị hoãn hoặc hủy, nhưng NATO đã tổ chức nhiều cuộc tập trận trên khắp châu Âu trong những tuần gần đây, trong đó có một số cuộc tập trận ở Estonia diễn ra trong tháng 5 với sự tham gia của 15.000 binh sỹ từ 14 nước. Địa điểm diễn ra tập trận này cách căn cứ quân sự gần nhất của Nga hơn 60 km.