Tổng quan về lá trầu không
Báo Điện tử VTV dẫn nguồn Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết, trầu không còn được biết đến với nhiều tên gọi như trầu cay, trầu lương, phù lưu đằng, lâu diệp. Đây là loài dây leo bám, cành hình trụ nhẵn, có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá trầu mọc so le, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, dài từ 10 đến 13cm, rộng từ 4,5 đến 9cm, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, gân nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có bẹ kéo dài.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây trầu thường là lá. Lá trầu được thu hái quanh năm và được dùng tươi. Ngoài ra, rễ cây cũng được sử dụng làm dược liệu trong một số bài thuốc.
Trong Đông y, trầu không vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, vào các kinh: phế, tỳ, vị có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.
Trầu không được dùng chữa hàn thấp nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt, viêm quanh răng, viêm tai và viêm họng.
Lá trầu không rất tốt cho sức khoẻ
Các bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu không
Bài viết của GS.TS Phạm Xuân Sinh trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, trầu không vị cay nồng, mùi thơm mạnh, tính ấm; quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Trầu không có công năng trừ phong thấp, trừ hàn, hạ khí, tiêu đàm, tiêu viêm, sát khuẩn. Lá trầu không trị hàn thấp gây nhức mỏi, cảm mạo, đau bụng, đầy hơi, vết thương nhiễm khuẩn, có mủ, đau nhức, hen suyễn, nhiều đờm, khó thở, mụn nhọt, bỏng, hắc lào, mày đay, viêm răng lợi, viêm họng.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu không như sau:
Trị trẻ nhỏ đau bụng do lạnh: lá trầu không tươi hơ nóng nhẹ rồi xoa nhẹ quanh rốn nhiều lần. Để tránh cho trẻ bị quá nóng, trước đó cần xoa trên da người lớn để thử mức độ nóng.
Trị trẻ nhỏ bị trớ, nấc: lấy phần chóp lá trầu hoặc cuống lá (khoảng 1cm) đặt xuôi vào huyệt ấn đường (điểm giữa, nối hai đầu lông mày). Đồng thời cũng lấy lá trầu hơ nóng nhẹ rồi xoa từ ức xuống bụng; đến bụng lại xoa nhẹ quanh rốn.
Trị cảm mạo: lá trầu không rửa sạch giã nát, cho vào gạc sạch, chà xát vùng gáy, vào các huyệt: phong phủ (hõm dưới xương chẩm); phong trì (hai hõm sau gáy). Mặt khác, xát mạnh giữa sống lưng từ trên xuống và hai bên thăn lưng từ trong ra ngoài, các lòng bàn tay, chân.
Trị say nắng: thực hiện như trị cảm mạo. Sau đó, cho người bệnh uống nước rau má tươi hoặc nước ép dưa hấu.
Trị vết thương hở hoặc mụn nhọt vỡ loét: lấy khoảng 40g lá trầu tươi cho vào nồi, đổ 400ml nước, đun sôi 15 phút. Gạn lấy nước, để còn hơi ấm, rửa vết thương nhiều lần, thấm khô rồi bôi thuốc. Hoặc thêm 40g lá bạc hà cùng nấu để rửa. Hoặc sau khi sắc nước lá trầu, thêm 6g phèn phi, đánh tan rồi rửa vết thương, thấm khô, bôi thuốc.
Trị mụn nhọt: lá trầu không, lá thồm lồm (còn gọi đuôi tôm (Polygonum chinense L.), hoa dâm bụt đồng lượng, nhiều ít tùy theo số lượng và kích cỡ mụn. Tất cả rửa sạch giã nát rồi đắp, bó vào nơi bị bệnh.
Trị viêm họng, hôi miệng: lá trầu không tươi sắc như trên, hàng ngày súc họng nhiều lần.
Trị viêm lợi, viêm chân răng: lá trầu không tươi sắc như trên. Hàng ngày ngậm, súc miệng, nhổ nhiều lần. Hoặc nấu thành cao đặc rồi bôi vào răng lợi vài lần trong ngày.
Trị bong gân sai khớp, đau đớn: lá trầu tươi, lá xạ can (rẻ quạt) tươi, lá cúc tần tươi mỗi thứ 16g, nghệ già 24g. Các lá cắt nhỏ, nghệ thái lát. Tất cả giã nát, thêm 20ml giấm ăn, trộn đều rồi đắp, bó vào chỗ bị bệnh. Ngày thay 1 lần.
Trên đây là các bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu không. Trầu không cũng là một vị thuốc nên trước khi dùng lá trầu không vào thói quen hàng ngày, đặc biệt là khi dùng chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đông y để được dùng đúng cách và an toàn.