- Dịp sinh nhật tuổi 22, Mỹ Anh tự tin giới thiệu album riêng “Em” với phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và còn được làm dưới dạng đĩa CD. Vì sao bạn quyết định “chơi lớn” thế?
Bố mẹ tôi đều là người làm nhạc nên có thể nói, tôi lớn lên trong môi trường âm nhạc. Ở nhà hay trên đường đi học, bố mẹ đều mở nhạc cho tôi nghe. Hồi đó chưa có nhạc trực tuyến, chỉ có các CD. Điều này đồng nghĩa với việc bạn chỉ có thể thưởng thức toàn bộ album từ đầu tới cuối, nghe các ca khúc lần lượt theo thứ tự sắp xếp của người nghệ sĩ, không có chuyện bỏ qua ca khúc nào hay chọn riêng bài mình yêu thích.
Nghe album nhạc giống như việc đọc sách. Bạn phải đọc từng trang, từ đầu tới cuối thì mới có thể hiểu toàn bộ nội dung. Album chính là cách hay nhất để nghệ sĩ giới thiệu cá tính, màu sắc âm nhạc riêng của mình tới khán giả.
“Em” của Mỹ Anh được nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Joshua Minsoo Kim đánh giá là album nhạc pop hay nhất châu Á đầu năm 2024.
- Mỹ Anh cảm thấy thế nào khi nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Joshua Minsoo Kim xếp “Em” là album nhạc pop hay nhất châu Á đầu năm 2024?
Sự ủng hộ của mọi người khiến tôi rất bất ngờ, hạnh phúc và biết ơn. Cũng như các bạn trẻ khác, tôi cũng có lúc mất kiên nhẫn, hoang mang với sự lựa chọn của mình. Lời nhận định trên truyền cho tôi rất nhiều động lực và khiến tôi tự tin thêm một chút xíu về con đường mình đang đi.
- Mỹ Anh giờ không phải là cô bé bẽn lẽn đứng bên mẹ hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày’, hay run run hát “Bão đêm”, mà đã là một ca sĩ thực thụ. Bạn nghĩ sao nếu có người nói họ thích hình ảnh trước kia của bạn hơn?
Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Ngoài việc là một ca sĩ, tôi cũng là một khán giả. Tôi yêu thích rất nhiều nghệ sĩ và cũng có một vài người trong số đó, tôi không còn tìm thấy sự kết nối với âm nhạc của họ. Tôi rất tiếc nuối, nhưng lại nghĩ, ai rồi cũng phải lớn lên, phải trưởng thành và thay đổi. Họ được quyền làm điều mà họ cảm thấy thỏa mãn nhất và chinh phục các đối tượng khán giả. Còn tôi, tôi có thể tìm lại các sản phẩm âm nhạc cũ của họ để thưởng thức.
Mỹ Anh từng biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc Head in the clouds ở Los Angeles với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
- Chị luôn nhấn mạnh việc mình muốn gì và muốn đi tới đâu với âm nhạc mà chưa một lần dùng tới từ nổi tiếng - điều mà đã là nghệ sĩ, ai cũng mong muốn?
Tôi vẫn đang tìm hiểu mối quan hệ giữa mình và sự nổi tiếng (cười). Trong xã hội hiện nay, sự nổi tiếng có thể đến rất dễ và nhanh. Ngay từ năm 1967, nghệ sĩ người Mỹ Andy Warhol đã nói: “Trong tương lai, người ta sẽ nổi tiếng trong 15 phút”. Tôi cực kỳ ấn tượng với câu nói này.
Giờ đây, chỉ cần một cái video “cắn” view trên TikTok, bất cứ ai cũng có thể được hàng triệu người biết tới ngay lập tức. Tuy nhiên, sự nổi tiếng có thể đến rất nhanh và cũng đi rất nhanh, nhất là hiện tại, tôi cảm thấy mọi người thiếu kiên nhẫn hơn trước kia.
Mỗi khi sốt ruột, tôi lại nhắc mình lý do đến với âm nhạc. Tôi thích làm nhạc. Khi làm nhạc, tôi tìm thấy niềm vui và được là chính mình. Lý do tôi đến với âm nhạc lớn hơn rất nhiều so với “sự nổi tiếng 15 phút”. Do đó, tôi chỉ biết cố gắng hết sức với sự nghiệp của mình.
Mỹ Anh khá đa tài khi có thể hát, sáng tác, hòa âm phối khí cho các tác phẩm của mình.
- Dù còn rất trẻ, nhưng Mỹ Anh đã có cơ hội biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc Head in the clouds ở Los Angeles, với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, hẳn đó là mốc son trong sự nghiệp của bạn?
Trước buổi diễn, trong quá trình tập luyện, khớp nhạc, tôi cảm thấy bị choáng ngợp và rất lo lắng. Nhưng khoảnh khắc bước lên sân khấu biểu diễn chính thức, tôi lại thấy: Ồ, hóa ra nó cũng không quá lớn lao như mình nghĩ. Dĩ nhiên, cơ hội đó rất đặc biệt nhưng tôi nhận ra rằng, đó không phải là tất cả, mà chỉ là một mảnh ghép để tạo nên một nghệ sĩ Mỹ Anh.
Đó là một sân khấu lớn, đặc biệt với một nghệ sĩ như tôi, lại ở Mỹ, thế nhưng đó lại là sân khấu hiếm hoi nơi tôi trình diễn mà không cảm thấy run. Tôi chỉ cảm thấy vui và tận hưởng từng khoảnh khắc mình trình diễn.
Khán giả ở dưới, có nhiều người là du học sinh Việt Nam. Các anh chị cùng nhiều khán giả quốc tế khác hò hét, cổ vũ cho tôi. Tôi cảm thấy rất tự hào khi giới thiệu: Tôi đến từ Việt Nam.
“Lý do tôi đến với âm nhạc, lớn hơn rất nhiều so với sự nổi tiếng 15 phút”.
- Từ những năm 80 thế kỷ trước, các nghệ sĩ Việt Nam đã giới thiệu các sản phẩm âm nhạc của mình ra các nước trên thế giới. Vậy mà sau mấy chục năm, đến thế hệ các bạn, việc xuất khẩu nhạc Việt dường như vẫn còn là ước mơ?
Tôi nghĩ nó không còn là ước mơ nữa đâu. Đã có nhiều nghệ sĩ, nhiều chương trình âm nhạc Việt Nam ra thế giới, được khán giả một số nước đón nhận. Các nghệ sĩ đang rất nỗ lực, góp phần đưa nhạc Việt phát triển.
Là nghệ sĩ trẻ, tôi may mắn được kế thừa từ những nỗ lực của các thế hệ đi trước. Nhờ có nền móng từ họ, tôi và các bạn có thể phát triển hơn. Tôi thấy âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung của Việt Nam đang ngày càng phát triển.
- Nhiều người đánh giá, các nghệ sĩ Việt không hề thua kém về khả năng so với các nghệ sĩ khác trong khu vực, nhưng cái họ thiệt thòi hơn là không có một bệ phóng để bay xa?
Tôi thấy ngay cả ở thị trường như Mỹ cũng có nhiều nghệ sĩ đang phải tự xoay sở để phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình. Chúng ta không nên nhìn vào mặt thiệt thòi, bởi so sánh là vô cùng. Cái chúng ta có thể làm là cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, hoàn thiện kỹ năng của bản thân, cập nhật các xu hướng mới và kiên trì tiến về phía trước.
- Cảm ơn Mỹ Anh về cuộc trò chuyện!