Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cả rừng resort chắn biển, dân mất bãi tắm: Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận nói gì?

(VTC News) -

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam vừa trả lời về loạt resort xây dựng chắn biển, người dân mất bãi tắm.

Thời gian qua, Báo điện tử VTC News đăng tải loạt bài cả rừng resort xây dựng chắn biển ở Ninh Thuận, người dân mất bãi tắm thu hút quan tâm của dư luận.

Tỉnh rất muốn nhưng chưa hình thành chủ trương

Theo ông Nam, tỉnh Ninh Thuận cũng rất muốn di dời các resort chắn biển tại Bình Sơn - Ninh Chữ và cách đây vài năm tỉnh cũng có đặt vấn đề này. “Nhưng chưa hình thành chủ trương”, ông Nam nói.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, giải pháp sẽ là quy hoạch lại các dự án ven biển cho xứng tầm và có không gian mở ra biển thông thoáng hơn.

Hàng Loạt resort phủ kín bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ ở tỉnh Ninh Thuận.

Liên quan đến các resort chắn biển, trước đó, năm 2019, tỉnh Bình Định thông báo về việc di dời 3 khách sạn ven biển trên đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn), gồm khách sạn Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao) và Hoàng Yến (4 sao).

Theo tỉnh Bình Định, việc di dời các khách sạn này là để lấy đất xây dựng công viên phục vụ cộng đồng. Các khách sạn sẽ được di dời căn cứ vào thời hạn cho thuê đất.

Trả lời báo chí, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết không gian biển là của cộng đồng, biển Quy Nhơn sẽ không có rào chắn, không cấp cho ai khác sau đó. 

Mới đây, trả lời VTC News, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, việc di dời khu resort Ana Mandara nằm trên đường Trần Phú, TP Nha Trang sẽ được thực hiện trong năm 2021. "Tỉnh sẽ bàn giao lại khu đất trên cho TP Nha Trang quản lý, phục vụ cộng đồng", ông Tuân nói.

Ngoài ra, ông Tuân cũng cho biết, hiện nay tỉnh đang cho rà soát lại các dự án khác chắn biển. "Cái nào không đúng quy hoạch là tỉnh cũng sẽ tiến hành thu hồi hết", ông Tuân khẳng định.

Trong khi Khánh Hòa, Bình Định thể hiện quyết tâm di dời các resort chắn biển, thì tại Ninh Thuận hàng loạt resort vẫn đang phủ kín bờ biển suốt nhiều năm qua.

Điều đáng nói, không chỉ cấp phép đầu tư cho hàng loạt dự án resort trước đây, mà trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận còn tiếp tục cấp phép thêm cho nhiều dự án khác tại bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ.

Chuyên gia quy hoạch nói gì?

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia từng tham gia quy hoạch nhiều đô thị trên thế giới, cho rằng, việc tỉnh Ninh Thuận để các resort xây dựng sát bãi biển trong TP là một giải pháp sai lầm.

Theo ông, bãi biển ở trong TP phải là của chung, của cộng đồng, tuyệt đối không nên để bất kỳ resort hay công trình nào chiếm làm tư nhân. "Nếu như muốn làm các resort có bãi biển riêng thì phải chọn ở khu vực xa TP, những nơi vắng người", KTS Sơn nói.

Đi dọc đường Yên Ninh ở TP Phan Rang-Tháp Chàm chỉ toàn thấy tường bao, bờ rào của các resort chắn hết tầm nhìn ra biển.

Vị chuyên gia quy hoạch này cũng cho rằng, nếu để các resort chiếm hết bãi biển thì phía trong sẽ không còn giá trị gì và như vậy sẽ rất khó thu hút đầu tư vào khu vực phía Tây, bởi vì hướng ra biển đã bị chắn mất.

"Phải thấy nó là sai lầm để sửa sai. Những dự án chưa phát triển thì thu hồi lại, dứt khoát phải thu hồi. Không loại trừ kịch bản nhà nước mua lại cái resort đó và biến nó thành không gian công cộng cho người dân. Còn nếu chưa có tiền mua lại thì cũng có giải pháp thôi, quan trọng là lãnh đạo nhìn thấy vấn đề", KTS Sơn nhấn mạnh.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, nếu làm các resort sát bãi biển thì cũng không nên nối đuôi nhau hàng km, mà theo kinh nghiệm của quốc tế trung bình khảng từ 200-400m phải có lối ra biển hay thậm chí phải có khu vực bãi biển công cộng xen kẽ ở giữa để tránh tình trạng độc chiếm bãi biển.

"Tình trạng này đã từng xảy ra ở Đà Nẵng. Đi suốt từ Đà Nẵng chạy lên Ngũ Hành Sơn nối đuôi nhau hàng km là các resort tư nhân hết. Nếu làm như vậy thì không công bằng cho người dân bởi vì người dân không có lối ra biển và cái thứ hai là làm cho khu vực phía Tây của con đường ven biển không phát triển được bởi vì hướng ra biển bị chắn mất rồi", KTS Sơn nói.

Một góc bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Cũng theo vị KTS này, khi phát triển dự án biển, đặc biệt là ven biển của TP, điều tối kị là xây dựng nhà cao tầng nối san sát nhau thành một bức tường chạy dọc theo ven biển.

"Điều này đang xảy ra ở nhiều nơi, ví dụ như ở khu trung tâm TP Nha Trang. Lý do khi mình làm một bức tường cao ốc mình chắn như vậy thì khu vực phía sau của dãy cao ốc này mất hết giá trị. Tức là khi xây cao ốc mình phải có "khoảng thở". Cao ốc này cách cao ốc kia bao nhiêu, phải có "khoảng thở" để có cơ hội để xây cao ốc lùi vào phía trong, để dãy bên trong vẫn nhìn ra biển được", vị chuyên gia quy hoạch nhận định.

Ngoài ra, theo ông, nếu xây dựng cao ốc thành một dãy dài sát biển khu đô thị phía sau sẽ rất nóng. "Bởi vì khu cao ốc phía trước sẽ chắn hết gió. Phía sau không còn được hưởng gió nữa và đồng thời cũng lấy mất cơ hội phát triển của phía sau", KTS Sơn nhấn mạnh.

Việc di dời khu resort Ana Mandara nằm trên đường Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ được thực hiện trong năm 2021.

Theo vị chuyên gia quy hoạch đô thị này, việc xây dựng con đường ven biển thì không nên là con đường giao thông lớn mà phải mang tính chất cảnh quan nhiều hơn. Còn nếu mà con đường kết nối vùng thì nên làm lùi sâu vào trong, cách bờ biển từ 800m hoặc hơn.

"Bởi vì nếu làm con đường ven biển dùng để kết nối vùng sẽ đánh mất cơ hội phát triển của nguyên khu vực ven biển. Điển hình là Đà Nẵng lúc trước làm con đường từ Đà Nẵng chạy lên Ngũ Hành Sơn quá gần biển. Bên bờ Đông người ta làm resort hết và như vậy thì bờ Tây phát triển không được bởi vì bên này xe cộ chạy rất nhanh và nó cũng không có lối ra biển nữa, thành ra bờ Đông phát triển, còn bờ Tây rất khó phát triển. Hiện Đà Nẵng là vậy, bờ Tây rất khó phát triển", KTS Sơn nêu ví dụ.

Xây dựng cao ốc sát biển sẽ biến các ngọn núi xung quanh thành "hòn non bộ"

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, điều đặc biệt quan trọng khi làm cao ốc sát biển phải chú trọng tới không gian, cảnh quan xung quanh. Ông lấy ví dụ ở Đà Nẵng tại khu vực núi Ngũ Hành Sơn không nên làm cao ốc. Bởi vì theo ông, khi làm cao ốc tỉ lệ tòa nhà lớn lên sẽ làm cho cụm núi Ngũ Hành Sơn trở thành những "hòn non bộ" chứ không còn là núi nữa.

Tương tự TP Hạ Long, Quảng Ninh đang dự kiến ở ngay vị trí đối diện quần đảo Vịnh Hạ Long đang muốn làm một tòa nhà cao nhất thế giới ở đó.

"Theo tôi ở vị trí đó không nên bởi vì nó cũng làm mất đi tỉ lệ. Khi mình làm một tòa nhà quá cao, cao hơn nhiều lần so với các núi xung quanh thì nó biến các núi đảo đó thành tiểu cảnh hòn non bộ xung quanh công trình này. Thành ra nó làm giảm giá trị của cảnh quan của Vịnh Hạ Long, nhất là nơi đây lại là di sản thế giới, mình làm như vậy không khác gì mình đang phá hỏng giá trị di sản", KTS Sơn nói.

Thế Quang

Tin mới