Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ dài 6km, từ phường Mỹ Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) đến thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải), tỉnh Ninh Thuận là một trong những bãi biển có vẻ đẹp tự nhiên nhất cả nước.
Hàng loạt resort phủ kín bãi biển Bình Sơn-Nĩnh Chữ.
Bãi biển này uốn theo hình vòng cung với bãi cát vàng mịn và nước biển xanh trong. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, hàng loạt resort, khách sạn mọc lên án ngữ ngay mặt bãi biển này, khiến người dân cảm thấy "ngột ngạt".
Từng có một bãi biển hoang sơ, bình yên
Ông Võ Xuân Cường (47 tuổi, trú ở phường Đông Hải, TP Phan rang - Tháp Chàm) không ngờ rằng, trong vòng 20 năm qua bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã có sự thay đổi quá lớn so với những gì ông tưởng tượng.
Trong kí ức của mình, ông còn nhớ, trải dọc bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ khi đó là cả một rừng dương rộng lớn (hay còn gọi là rừng phòng hộ). “Lúc đó lứa tuổi học sinh, sinh viên và người dân vẫn thường xuyên kéo nhau ra đây để cắm trại, tắm biển, vui chơi, giải trí”, ông Cường nhớ lại.
Thay thế cho rừng dương trước đây là "rừng" resort trải dọc bãi biển Bình Sơn - Nĩnh Chữ.
Nhưng giờ đây, thay thế cho rừng dương trước đây là “rừng” resort nối đuôi nhau phủ kín hầu như toàn bộ bãi biển này.
“Ngày xưa khi chưa có du lịch thì đây là chỗ vui chơi của cả cộng đồng, nhất là vào ngày mùng 5/5 tất cả giả trẻ, lớn bé ai cũng tới đó để vui chơi. Ngày nay có du lịch rồi thì chỉ người nào có tiền mới tới đó nghỉ dưỡng. Nó làm mất đi niềm vui của ngày xưa”, ông Cường nói.
Kí ức về bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ của ông Cường cũng là kí ức tiếc nuối của nhiều người dân TP Phan Rang – Tháp Chàm về một bãi biển hoang sơ, thơ mộng khi xưa.
Công cuộc resort hóa bãi biển
Mở đầu cho “công cuộc xẻ thịt” bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ bắt đầu từ năm 2000, khi đó tỉnh Ninh Thuận thu hồi 8ha đất lâm nghiệp thuộc bãi biển này do Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa quản lý, giao Công ty TNHH Hoàn Cầu để trồng, bảo vệ rừng và đầu tư khu vui chơi giải trí.
Được giao đất, công ty này bắt đầu rào kín tường bao, độc chiếm bãi biển và “bức tử” rừng phi lao để xây dựng resort với quy mô 126 phòng ngủ, hệ thống phòng họp, nhà hàng, quầy lưu niệm, cà phê và bar, khu trò chơi…
Khu resort Hoàn Cầu hiện nay trong tình trạng kín cổng, cao tường, không có bất cứ hoạt động gì.
Thế nhưng, sau một thời gian dài kinh doanh, khoảng vài năm trở lại đây, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của công ty này đã sang lại cho một chủ đầu tư khác. Và hiện nay, cả một khu nghỉ dưỡng đồ sộ, quy mô đang trong tình trạng kín cổng, cao tường, hầu như không có bất cứ một hoạt động nào.
Không dừng lại ở đấy, liên tiếp những năm sau đó, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cấp phép đầu tư cho hàng loạt dự án du lịch như Paven, Đông Dương, Phú Thuận, Bàu Trúc, Con Gà Vàng, Thái Bình Dương…, với ít nhất trên 30ha bãi biển. Sau khi được giao đất, chủ đầu tư các dự án du lịch cũng đã cho xây tường rào bao quanh, phủ kín bãi biển.
Không chỉ cấp phép đầu tư cho hàng loạt dự án resort trước đây, mà những năm gần đây tỉnh Ninh Thuận còn cấp phép cho hàng loạt các resort khác tại bãi biển thơ mộng này. Điển hình như dự án resort khách sạn Long Thuận của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Sơn Long Thuận có quy mô rộng 6ha, đã hoàn thành giai đoạn I và đang xây dựng giai đoạn 2; khu du lịch Sài Gòn - Ninh Chữ, rộng 6,5ha. Khu này đã hoạt động từ năm 2005.
Hay như khu Du lịch nghỉ dưỡng TTC Resort Premium Ninh Thuận rộng 6,9ha được sang nhượng lại từ Tổng Công ty Tín Nghĩa; khu Aniise Villa Resort rộng khoảng 2ha do Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Riêng trong đầu năm 2021, khu Hoàn Mỹ Resort Phan Rang rộng 1,9ha tại bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ cũng đã đưa vào hoạt động...
Ngoài ra, tại vị trí đắc địa nhất của bãi biển này đang hình thành dự án căn hộ khách sạn cao cấp 5 sao với tổng vốn 4.500 tỷ đồng. Khu này có 3 tòa nhà cao từ 40-55 tầng, với tổng diện tích đất 8,3ha và diện tích xây dựng 3,6ha.
Cùng với đó, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia Ninh Chữ của Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Aminia Ninh Chữ rộng 3,2ha đã xây dựng xong phần thô và sắp tới sẽ đi vào hoạt động...
Đáng chú ý, vào cuối năm 2010, tỉnh Ninh Thuận giao 5ha bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ cho Công ty CP Thành Đông thực hiện dự án khu đô thị du lịch biển Bình Sơn để công ty này phân lô bán nền. Đổi lại Công ty này đầu tư cho tỉnh công viên biển Bình Sơn theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”.
Cứ thế, trong nhiều năm, hàng chục hecta đất bờ biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã được tỉnh Ninh Thuận giao cho các nhà đầu tư làm du lịch.
Trong khi thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa, Bình Định đã thể hiện quyết tâm di dời các dự án resort, khách sạn chắn biển để trả lại không gian thiên nhiên, thông thoáng cho người dân thì tỉnh Ninh Thuận lại đang làm ngược lại.
Một người dân thường xuyên tắm biển cho biết, mặc dù biển chỉ cách đường Yên Ninh vài trăm mét, nhưng nếu đi dọc trên tuyến đường này thì không thấy biển ở đâu mà chỉ toàn thấy là tường bao, bờ rào của các khu resort án ngữ ngay mặt đường.
Biển Bình Sơn - Ninh Chữ cách đường Yên Ninh khoảng vài trăm mét nhưng nếu đi dọc tuyến đường này thì không biết biển nằm ở đâu vì tường bao, công trình resort chắn hết tầm nhìn ra biển.
Xây dựng resort sát biển là sai lầm
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia từng tham gia quy hoạch nhiều đô thị trên thế giới, cho rằng, việc tỉnh Ninh Thuận để các resort xây dựng sát bãi biển là một giải pháp sai lầm.
Theo ông, bãi biển ở trong TP phải là của chung, của cộng đồng, tuyệt đối không nên để bất kỳ resort hay công trình nào chiếm làm tư nhân hết. "Nếu như muốn làm các resort có bãi biển riêng thì mình phải chọn ở khu vực xa TP, những nơi vắng người", KTS Sơn nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn.
Vị chuyên gia quy hoạch này cũng cho rằng, nếu để các resort chiếm hết bãi biển thì phía trong sẽ không còn giá trị gì hết và như vậy sẽ rất khó thu hút đầu tư vào khu vực phía Tây, bởi vì hướng ra biển đã bị chắn mất.
"Phải thấy nó là sai lầm để sửa sai. Những dự án chưa phát triển thì thu hồi lại, dứt khoát phải thu hồi. Không loại trừ kịch bản là nhà nước mua lại cái resort đó và biến nó thành không gian công cộng cho người dân. Còn nếu chưa có tiền mua lại thì cũng có giải pháp thôi, quan trọng là lãnh đạo nhìn thấy vấn đề", KTS Sơn nhấn mạnh.