Ngày 24/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết hơn một tháng nay, tỉnh này ghi nhận có 24 người nhiễm bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và tính đến thời điểm hiện tại có 4 người chết vì căn bệnh này.
Bệnh nhân đầu tiên tử vong là N.V.B (51 tuổi, trú TP Hải Phòng), ông là một trong số thuyền viên bị mắc kẹt trên con tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị từ ngày 8-11/10.
Sau khi được cứu khỏi tàu gặp nạn, ông B. được chuyển vào bệnh viện để chăm sóc sức khỏe. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh Whitmore. Ba nạn nhân còn lại là H.V.V. (75 tuổi, trú huyện Hướng Hoá), N.T.L. (62 tuổi, trú huyện Cam Lộ) và H.C.D. (47 tuổi, trú huyện Hải Lăng).
Một ca mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó chỉ khoảng 1/10 số bệnh nhân bị chết.
"Sau những đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi", bác sĩ Lâm cho hay.
Được biết, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore sống ở đất và nước. Chúng xâm nhập qua những vết trầy xước của người tiếp xúc. Vi khuẩn có thể xâm nhập đến các cơ quan trong cơ thể con người. Người mắc bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đưa ra những cảnh báo liên quan đến việc bệnh nhân Whitmore tăng đột biến sau mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.Thống kê cho thấy Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 28 ca bệnh từ tháng 10 đến nay.
Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy... thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Điều đáng lo ngại là khá nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.
Số liệu trên đáng báo động nếu so sánh với số ca bệnh mà Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014-2019 với chỉ khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkhoderia Pseudomallei ); từ tháng 1- đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân.