Ngoài ra, còn có một số con cá heo Electra khác bị mắc cạn trên bờ và có dấu hiệu ốm nặng.
"Đây là một ngày tồi tệ. Chúng tôi đang chứng kiến những con cá heo này bơi lên bờ, gặp nạn rồi chết. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cái chết của loài động vật biển có vú thông minh này như vậy. Chưa bao giờ", nhà tư vấn môi trường Sunil Dowarkasing cho biết.
Theo ông Dowarkasing, các chuyên gia đang tiến hành xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra cái chết của lũ cá heo.
Xác của nhiều con cá heo trôi dạt vào bờ biển sau sự cố tràn dầu. (Ảnh: EPA)
"Tôi nghĩ có 2 khả năng. Hoặc chúng chết do hàng tấn nhiên liệu tràn ra biển hoặc bị nhiễm độc bởi các vật liệu độc hại trên con tàu bị chìm ngoài khơi", ông này cho hay,
Trước đó hôm 25/7, tàu MV Wakashio, chở khoảng 4 tấn nhiên liệu của Nhật Bản bị mắc cạn trên rạn san hô thuộc vùng biển Mauritius.
Bị sóng đánh nhiều ngày, thân tàu bị nứt, làm rò rỉ hơn 1 tấn nhiên liệu xuống vùng nước ở khu vực đầm phá Mahebourg, gây ô nhiễm các vùng rừng ngập mặn, đầm lầy và một hòn đảo nhỏ vốn là khu bảo tồn chim và động vật hoang dã.
Tới ngày 16/8, con tàu bị gãy làm đôi. Phần đầu tàu nhỏ hơn bị kéo ra vị trí cách bờ khoảng 10km và nhấn chìm tại đó. Trong khi đó, phần đuôi tàu vẫn ở nguyên nơi nó bị mắc cạn.
Tổ chức môi trường Greenpeace gọi vụ đâm tàu là một sự kiện đáng buồn và đáng báo động với người dân Mauritius và sự đa dạng sinh học của đảo quốc này.
Greenpeace cũng cảnh báo, tác động lâu dài của sự cố tràn dầu có thể sẽ ảnh hưởng đến cá voi, rùa, chim biển và nhiều sinh vật biển trong khu vực trong một thời gian dài.