Sáng 14/1 (23 tháng Chạp), người dân TP.HCM đến các địa điểm dọc hai bờ sông Sài Gòn để thả cá chép vàng, làm lễ tiễn ông Táo về trời.
Tại Công viên Tầm Vu (quận Bình Thạnh), người dân đến thả cá càng lúc càng đông.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, một số người dùng cần câu, vợt lưới để bắt những con cá vừa được phóng sinh. Những người này còn đi dọc sông Sài Gòn để tìm những con cá bị trôi dạt vào bờ.
Một số người dân thấy sự việc, chỉ lắc đầu bỏ qua. Tình trạng vớt, chích điện cá chép cúng ông Táo xảy ra nhiều năm qua tại TP.HCM.
Chị Khánh (ngụ TP Thủ Đức) dẫn cậu con trai 6 tuổi đi thả cá chép. "Những năm trước tôi chỉ thả ở gần nhà, nhưng năm nay muốn ra sông để cá chép có môi trường sống tốt hơn. Nhân tiện cho con trai đi cùng vì cậu rất thích đi thả cá chép", chị Khánh chia sẻ.
Cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo năm nay giá rẻ hơn so với những năm trước, giá chỉ từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/con nhỏ.
Do Công viên Tầm Vu không có đường xuống bờ sông, nhiều người phải trèo qua lan can.
Nhiều con cá không kịp làm quen với môi trường nước nên bị chết và trôi dạt vào bờ ngay sau khi thả.
Chị Nguyễn Thị Huy Tú (TP Thủ Đức) lần đầu tiên đi phóng sinh, thả cá chép ngày ông Công ông Táo. "Trên đường đến chùa Diệu Pháp mình ghé mua 3 túi cá chép nhỏ, khoảng 50 con. Mình nghĩ ngày này là dịp để thả cá phóng sinh nên mua nhiều một chút", chị Tú nói.
Một số người đứng sát mép nước bên bờ sông Sài Gòn để thả cá chép, khá nguy hiểm. Theo quan niệm dân gian, cá chép tiễn Táo quân chầu trời phải được thả trước giờ Ngọ (12h ngày 23 tháng Chạp). Do vậy, càng về trưa, người dân đến thả cá chép càng nhộn nhịp.