Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cách mạng Tháng Tám ở Huế: Khí thế những ngày mùa thu lịch sử

(VTC News) -

Tháng 8/1945, tại Thừa Thiên-Huế, lực lượng Việt Minh tập hợp, quy tụ sức mạnh toàn thể các tầng lớp nhân dân, làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng 8.

77 năm trôi qua, không khí những ngày quật khởi, Cách mạng tháng Tám 1945 ở Huế mãi không phai mờ. 

Một trong số ít những lão thành cách mạng hiện còn sống ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 giành chính quyền cách đây 77 năm là ông Nguyễn Tửu, 96 tuổi.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn nhớ rõ khí thế cách mạng sục sôi trong những ngày Mùa thu Tháng 8 năm xưa. Khi đó, ông 17 tuổi hăng hái đi theo Cách mạng.

Ông Tửu nhớ lại ngày đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, các tầng lớp nhân dân sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng ở khắp nơi.

Hàng vạn người dân Thừa Thiên - Huế và các Đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế Mùa thu Tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu)

Ông Tửu cho biết: “Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi tham gia phong trào của quần chúng, cả làng cả nước theo đà chung để đi giành chính quyền. Chúng tôi giành chính quyền tại huyện Quảng Điền, một khí thế chưa từng có. Bác Hồ có câu, nhà nông là chiến sĩ, cuốc cày là vũ khí. Cho nên khi đó, khí thế hừng hực lên.”

Khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng vào tháng 3/1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã quyết định thời cơ phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Từ ngày 18 đến 22/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa các huyện trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nổi dậy giành chính quyền.

Tại thành phố Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, ngày 22/8/1945, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Tối 22/8, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị. Chiều 23/8, hàng vạn người dân Thừa Thiên - Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế dưới rừng cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”.

Nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ Huế ngày 23/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như triều dâng, thác đổ biến cuộc mit tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn ở sân vận động Huế, thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của ta. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc diễn văn và tuyên bố, từ nay chính quyền về tay Nhân dân, đồng thời, giới thiệu UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Nguyễn Trung Chính, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra ở Thừa Thiên - Huế cho thấy, muốn cách mạng thành công phải có bạo lực cách mạng nhưng trên cơ sở đoàn kết toàn dân, phát huy yếu tố chính trị, yếu tố chính nghĩa và lòng yêu nước để làm cơ sở giác ngộ mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Tửu nhớ lại Cách mạng Tháng Tám ở Huế.

Ông Chính khẳng định: “Tư tưởng xuyên suốt của mình là không dùng bạo lực, dù là khởi nghĩa giành chính quyền, phải dùng sức mạnh quần chúng, tập hợp đông đảo quần chúng. Mặt khác, bằng nhiều cách để tác động triều Nguyễn, thành một chính sách. Trên cơ sở làm thế nào giác ngộ cho mọi người, kể cả đối phương, hiểu được vấn đề này để hạn chế dùng bạo lực. Do đó, chi khởi nghĩa ở Huế diễn ra êm đẹp, cái yếu tố chính nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước tạo nên một sức mạnh”.

Sự thoái vị của Bảo Đại góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, sự yên bình hiếm có khi quyền lực chính quyền chuyển về tay Nhân dân.

Nhà Nghiên cứu Dương Phước Thu khẳng định, bài học về tinh thần đoàn kết của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị: “Cách mạng thành công ở Huế đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Thứ nhất là lòng yêu nước của Nhân dân, khát vọng hoà bình, giải phóng bản thân, giải phóng gia đình và giải phóng quốc gia; xây dựng quốc gia độc lập, hoà bình. Thứ hai là quyền của người dân được phát huy. Thứ ba là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất xung quanh một chính đảng có tổ chức, có sự lãnh đạo và sự đồng lòng, đồng sức, đứng lên thành một đội ngũ, giành chính quyền.”

Ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại khí thế những ngày mùa thu lịch sử.

Năm tháng qua đi, Huế vẫn còn đó những thành quách rêu phong. Cửa Ngọ Môn, nơi vua Bảo Ðại thoái vị, dấu vết thời gian càng làm dày thêm mốc son hào hùng năm ấy. Con đường trước Ngọ Môn được mang tên đường 23/8 để lưu giữ ký ức oai hùng trong tâm trí của người dân Huế, là mốc son tự hào cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Lê Hiếu (VOV-Miền Trung)

Tin mới