7 trận đấu trong khuôn khổ Bundesliga và 4 trận thuộc Bundesliga II đã trở lại vào tối qua, chấm dứt 66 ngày tạm nghỉ của guồng quay bóng đá đỉnh cao.
Sau giải VĐQG Hàn Quốc (K-League), đến lượt bóng đá Đức cho cả thế giới thấy hình ảnh vận hành của một giải đấu trong thời dịch bệnh. Sự trở lại của Bundesliga không chỉ là tín hiệu vui, mà còn cho thấy không khó khăn, thách thức nào có thể ngăn cản bóng đá.
Các sân bóng Đức vắng bóng khán giả trong ngày trở lại.
Kiểm tra thân nhiệt, khử trùng bóng và ăn mừng kiểu giãn cách xã hội
Cầu thủ và các nhân viên được cách ly ở khách sạn cả tuần và liên tục xét nghiệm COVID-19. Đến ngày thi đấu, các đội bóng di chuyển bằng xe bus, cầu thủ duy trì giãn cách trên đường đến sân.
Khi rời xe bus, toàn đội phải đeo khẩu trang. Các nhân viên tổ chức trận đấu, phóng viên, đội ngũ truyền thông,... đều được kiểm tra thân nhiệt.
CĐV không được vào sân, đồng thời cảnh sát phải có mặt để ngăn đám đông tụ tập. Chỉ 213 người được vào, gồm 98 người trên sân (cầu thủ, HLV, nhặt bóng) và 115 người ngồi trên khán đài. 109 người gồm đội ngũ an ninh và điều hành phòng VAR được phép ở rìa ngoài.
Bóng thi đấu được khử trùng bởi các nhân viên trước trận và ở giờ nghỉ giữa hai hiệp. Trên hàng ghế dự bị, cầu thủ dự bị và đội ngũ huấn luyện phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với người còn lại.
Bóng thi đấu được khử trùng.
HLV trưởng có thể không đeo khẩu trang để thuận tiện trong việc chỉ đạo cầu thủ. Cầu thủ dự bị được tháo khẩu trang khi khởi động. Khi ai đó bị thay khỏi sân, họ phải đeo khẩu trang trước khi bước vào khu vực kỹ thuật.
Điều lạ kỳ nhất có lẽ là cách cầu thủ ăn mừng. Bóng đá Đức khuyến cáo cầu thủ không nên ôm nhau khi có bàn thắng. Nhiều cầu thủ chạm khuỷu tay chia vui thay vì ôm nhau.
Trong trận thắng 4-0 trước Schalke đêm qua, các cầu thủ Borussia Dortmund ăn mừng rất chừng mực ở khoảng cách an toàn. Dù vậy, không phải đội nào cũng tuân thủ, điển hình như Hertha Berlin. Các cầu thủ thoải mái ăn mừng như chưa hề có COVID-19.
Cầu thủ Dortmund ăn mừng từ xa.
Sân bóng trống không
Nổi tiếng với sự cuồng nhiệt của CĐV, bóng đá Đức trông thật nhàm chán khi không có khán giả. Sau khi tiếng còi trận derby vùng Ruhr kinh điển vang lên, các cầu thủ Dortmund ăn mừng trước khán đài trống, nơi đáng lẽ có 25.000 CĐV tạo thành "bức tường vàng" danh tiếng nếu không có dịch bệnh.
Các cầu thủ Wolfsburg có cử chỉ thân thiện với trọng tài bằng cách chạm chân, thay vì bắt tay như thường lệ. Các cầu thủ giữ khoảng cách xa với phóng viên khi trả lời phỏng vấn. Truyền thông Đức có loại micro kéo dài để vừa đảm bảo hiệu quả công việc, vừa phòng dịch.
Không có khán giả, âm thanh trên sân chỉ được tạo ra bởi HLV và cầu thủ. CĐV có thể nghe rõ tiếng trao đổi giữa cầu thủ và HLV qua sóng truyền hình, cũng như âm thanh của trái bóng khi chuyền, sút.
Sân Signal Iduna Park vắng khán giả.
CĐV không được vào sân, vậy họ có tập trung phía bên ngoài? Câu trả lời là không. Một trong những lý do Ngoại hạng Anh muốn đá sân trung lập là để hạn chế CĐV tập trung. Bóng đá Đức không giải quyết vấn đề theo cách này. Đội ngũ an ninh, cảnh sát đã túc trực phía ngoài sân bóng để ngăn các nhóm CĐV tụ tập.
"Sân bóng yên tĩnh đến kỳ lạ. Chúng tôi đã lường trước và tính toán nhiều viễn cảnh, nhưng không nghĩ được là chỉ có rất ít khán giả đến sân và trung tâm thành phố.
Chúng tôi đã cảnh báo CĐV nên ở nhà xem trận đấu để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tất nhiên, không phải ai cũng hài lòng với điều đó", phát ngôn viên Olivier Peiler từ phía cảnh sát cho biết.
Bóng đá không khán giả vẫn là điều gì đó quá lạ lùng, dù tất cả đã lường trước viễn cảnh ở các sân bóng trong vài tháng tới. "Không có âm thanh nào cả. Bạn dứt điểm, bạn có một đường chuyền hay bạn ghi bàn, nhưng không có gì xảy ra cả, điều này thật kỳ dị", HLV Lucien Favre của Dortmund cho biết.
"Tôi nhớ các CĐV. Thật lạ lùng, chúng tôi cần thời gian quen với điều đó. Bóng đá không khán giả thật quá khó để xem", cựu danh thủ Owen Hargreaves nói với BT Sport.