Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bùi Thị Thu Thảo: Cô gái bán khoai lang giành HCV ASIAD lịch sử

(VTC News) -

Bùi Thị Thu Thảo là VĐV điền kinh duy nhất được chọn làm đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10.

"Tôi chỉ mơ, chứ chưa bao giờ nghĩ mình có thể giành huy chương vàng ở ASIAD vì các đối thủ tầm châu Á đều rất mạnh. Có lẽ tôi đã may mắn, cộng thêm sự chăm chỉ luyện tập để cuối cùng thành công mỉm cười với mình", Bùi Thị Thu Thảo nhớ lại ký ức cách đây hơn hai năm ở Jakarta, Indonesia.

Tháng 8/2018, nữ vận động viên sinh năm 1992 trở thành nhà vô địch ASIAD. Đó là tấm huy chương "vàng mười". Lần đầu tiên thể thao Việt Nam có huy chương vàng điền kinh ở đấu trường Á vận hội.

Một chiến thắng lịch sử, nhưng lại chẳng phải kỳ tích bất ngờ nếu nhìn vào tầm vóc của cô ở sân chơi quốc tế. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Bùi Thị Thu Thảo là VĐV hiếm hoi của Việt Nam đạt đến tầm ngôi sao châu lục.

VĐV điền kinh Bùi Thị Thu Thảo.

Bùi Thị Thu Thảo đã là nhà vô địch nhảy xa SEA Games và châu Á từ năm 2017. Bốn năm trước khi bước lên đỉnh cao ở Indonesia, cô gái có biệt danh “Thảo Bò Vàng” đã suýt làm được điều đó ở ASIAD 17 (Incheon, Hàn Quốc), chỉ chịu thua cú nhảy xuất thần của đối thủ.

"Tấm HCV ASIAD 18 là mục tiêu mà tôi đặt quyết tâm phấn đấu. Năm 2014, tôi đã tuột mất chiến thắng ở lượt nhảy cuối, bởi vậy tôi đã cố gắng hơn rất nhiều để có thể giành được tấm HCV này", Bùi Thị Thu Thảo chia sẻ.

Nhiều người nói rằng chiến thắng ở ASIAD 18 của Bùi Thị Thu Thảo là "tấm huy chương đổi đời" của điền kinh Việt Nam, và cho cả cá nhân nhà vô địch. Khoản tiền thưởng vài trăm triệu đồng như thế có thể chỉ đến một lần trong đời đối với một VĐV ở môn nhảy xa.

Cô tâm sự: "Tấm HCV ASIAD 18 đối với tôi rất đáng quý. Số tiền thưởng ấy giúp cuộc sống của gia đình bớt đi chút vất vả, vì tiền lương thưởng bình thường của tôi chỉ bằng một phần nhỏ so với vận động viên ở một số môn khác, như bóng đá".

Truyền thông nói nhiều về Bùi Thị Thu Thảo như một hình mẫu vượt khó, kiên trì bám nghề thể thao vì giấc mơ thoát nghèo. Những năm đầu đi tập, cô gái Ba Vì có lúc tưởng như không thể tiếp tục theo đuổi nghiệp vận động viên vì phải tìm cách nuôi gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Thời điểm ấy, Bùi Thị Thu Thảo chỉ được hưởng chế độ phụ cấp 50.000 đồng/ngày dành cho VĐV trẻ. Cô đã hai lần định bỏ ngang, có lúc tranh thủ ra ngoài làm các công việc chân tay khác để kiếm thêm thu nhập giúp gia đình, cũng là để tự nuôi chính mình theo đuổi nghề thể thao.

Ông Nguyễn Trọng Hổ, HLV Trưởng đội tuyển Điền kinh quốc gia khi ấy nhận ra ở Bùi Thị Thu Thảo tố chất nhảy xa, thay vì chạy đường dài như định hướng ban đầu. Cô không có chiều cao và sải chân lý tưởng, nhưng sức bật lại rất ấn tượng.

Quan trọng hơn cả, để đi được đến đỉnh cao châu Á, sức bật lớn nhất của Bùi Thị Thu Thảo chính là tính cách lạc quan và đầy nghị lực. Trong những lần phỏng vấn, kể cả khi đã trở thành nhà vô địch ASIAD, cô thường không nói nhiều về sự khó khăn và cơ cực của bản thân.

Thu Thảo giành HCV ASIAD 2018.

Gia cảnh, đối với Bùi Thị Thu Thảo, không phải gánh nặng hay rào cản, mà là động lực to lớn nhất. Trước ASIAD 18, nữ vận động viên từng có ý định xin nghỉ để có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng, cũng chính sự động viên từ gia đình là lý do để cô tiếp tục phấn đấu, quyết tâm mang về thêm những vinh quang cho thể thao Việt Nam.

"Tôi cũng như rất nhiều VĐV khác đi lên từ gia cảnh nghèo khó. Vì vậy, lúc nào đi tập tôi cũng phải cố gắng vươn lên, làm sao đạt thành tích và huy chương. Chỉ có như vậy mới được thưởng, có tiền giúp đỡ bố mẹ ở nhà", nhà vô địch châu Á chia sẻ.

Cái Tết đầu tiên sau khi vô địch ASIAD, Thảo cùng chồng ship cả tấn khoai lang đi bán khắp Hà Nội.

"Bán khoai ở Hà Nội được giá hơn so với ở quê. Vợ chồng tôi tự chở xe máy từ Ba Vì về Hà Nội, sau đó tự đi ship cho từng khách hàng vào buổi tối", Thảo kể lại và tỏ ý rất vui vì khoản thu nhập có được trong lần đầu tiên "bán khoai qua facebook".

Tiếc cho Bùi Thị Thu Thảo, sau tấm huy chương vàng ở ASIAD, cô lại bỏ lỡ cơ hội giành thêm những chiến thắng. Chấn thương dai dẳng khiến nhà vô địch châu Á buộc phải tạm dừng thi đấu, ngậm ngùi xin nghỉ đội tuyển, ngồi nhà cổ vũ đồng đội tranh tài ở SEA Games 30 tại Philippines. Không có Bùi Thị Thu Thảo, đoàn Việt Nam cũng thiếu tấm HCV nhảy xa ở kỳ đại hội mà đội tuyển điền kinh thành công rực rỡ.

Năm 2020, các giải đấu quốc tế cũng không diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do đó, Bùi Thị Thu Thảo có thêm thời gian để chăm sóc cho gia đình. Cô sẽ trở lại thi đấu vào năm 2021, với mục tiêu là kỳ SEA Games diễn ra tại Việt Nam.

Hai mươi tám tuổi, Bùi Thị Thu Thảo cũng không còn nhiều năm đỉnh cao và cũng chẳng dễ gì để lấy lại phong độ như trước khi chấn thương. Nhưng, bằng nghị lực đánh bật mọi trở ngại để theo đuổi nghiệp thể thao hơn 14 năm, sẽ chẳng bất ngờ nếu nhà vô địch ASIAD tiếp tục là niềm hi vọng giành vàng của điền kinh Việt Nam ở SEA Games 31.

"Thật tiếc khi không được dự SEA Games năm 2019. Tôi bị chấn thương, càng lúc càng đau nhiều hơn nên quyết định nghỉ để các em trẻ có cơ hội. Bây giờ tôi đang cố gắng tập luyện trở lại. Mục tiêu sẽ là tấm HCV SEA Games 31 tại Việt Nam!", Bùi Thị Thu Thảo nói.

Minh Ngọc

Tin mới