Cô gái có tên Trần T.N. đăng tải chùm ảnh mình chụp tại sân bay kèm theo lời chia sẻ: “Có thể mọi người thấy thế là bình thường nhưng thực sự em cảm thấy không thể chấp nhận được. Có thể có người không biết và không nhận ra nhưng mà đó là ghế ưu tiên, dành cho những người đặc biệt như khuyết tật, mang bầu, người già yếu bệnh tật.
Lần nào đi ra sân bay em cũng nhìn thấy hình ảnh này. Thật sự rất buồn, và lần nào cũng chỉ người Việt mình ngồi chứ chỗ đó chưa bao giờ em thấy một người nước ngoài nào ngồi hết. Lúc nào nhìn thấy cũng nhắc nhưng người ta lại nhìn em bằng ánh kiểu như em nhiều chuyện. Thực sự đến bao giờ em mới không phải thấy những hình ảnh như thế này?”.
Các hình ảnh Trần T.N. đăng tải cho thấy nhiều người bình thường, trẻ khỏe ngồi trên ghế ưu tiên tại khu vực chờ lên máy bay.
(Ảnh: Trần Thảo N.)
Bài đăng này nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt tương tác. Không ít người đồng tình với tác giả và phê bình ý thức của những người không phải đối tượng đặc biệt nhưng vẫn ngồi ghế ưu tiên, cho rằng như vậy là kém văn minh.
"Các ghế thường vẫn còn chỗ mà. Sao họ không ngồi vào đó mà lại ngồi ghế dành cho bà bầu, người già, ốm, khuyết tật?", Thành Long viết.
"Nếu ghế thường vẫn còn chỗ thì không nên ngồi ghế ưu tiên. Bạn ngồi đó, những người ốm yếu, có bầu chưa lộ bụng sẽ ngại xin nhường ghế, chẳng lẽ phải trình bày anh ơi em có bầu, nhường chỗ này cho em à?" Ly Ly bình luận.
Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng tác giả phản ứng thái quá, chuyện không đáng phải lên án gay gắt như vậy, và việc ngồi ghế ưu tiên trong nhiều trường hợp là không sai. Tài khoản Nguyễn Dương viết: "Ghế là ghế ưu tiên, nhưng không có người thuộc diện đó thì ưu tiên cho ai đây bạn? Cả cái phòng chờ trống huơ trống hoác, làm gì có người nào khuyết tật, bầu bí đâu mà nhường?”.
Tài khoản Vie Vie bình luận: “Các bạn có thấy hàng ghế đầu trên xe bus ghi là ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai với người khuyết tật chứ đâu có ghi 'cấm người trẻ hay người bình thường ngồi? Chị gái trong hình kia, biết đâu chị ấy mới mang thai vài tháng thì sao?”.
Theo Vie Vie, có thể cô gái trong ảnh này đang mang thai, vì vậy không nên vội phê bình việc cô ấy ngồi vào ghế ưu tiên. (Ảnh: Trần Thảo N.)
Hà Ngọc Thành góp ý: “Đây là ghế ưu tiên chứ không phải ghế quy định bạn nhé. Khi nào có người cần mà người đang ngồi kia không nhường mới là vấn đề”.
Càng về sau, số người bày tỏ sự không đồng tình với của tác giả càng đông. Một số người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng chia sẻ hiểu biết của mình về ghế ưu tiên ở các nước và cho rằng Trần Thảo N. có cái nhìn tiêu cực khi chê bai ý thức của người Việt.
“Các bạn hay so sánh Tây với Việt Nam mình. Tôi ở Nhật - nơi người ta vẫn ca tụng là ý thức người dân xếp top đầu - 3 năm, tàu điện có chỗ dành riêng cho người già, phụ nữ mang bầu, người khuyết tật nhưng người thường vẫn ngồi vào đấy mà, khi có những đối tượng ưu tiên như trên thì người ta mới nhường thôi” – Trần Thị Trang Nguyên cho hay.
Nhiều cá nhân chia sẻ rằng việc ngồi ở hàng ghế ưu tiên khi còn nhiều chỗ trống là điều bình thường. (Ảnh: Facebook)
“Mình cũng ở Úc nè, đang cách ly nên mỗi người một hàng ghế là chắc ăn nhất. Nhưng vẫn chỉ nhường cho người già khi kín chỗ và có hẳn một chỗ ngồi riêng cho người khuyết tật khi đi tàu luôn nhé! Không có ai bù lu bù loa như bạn cả, cũng chẳng có ai chỉ trích hay bê lên mạng xã hội lên án cả. Tất cả là do cách cư xử, đừng có mới nhìn đã vội bóc phốt”, Huyền Linh bày tỏ ý kiến.
"Đừng hơi một tý là chê bai ý thức người Việt thế nọ thế kia, cho là người Việt kém văn minh hơn Tây. Như vậy là tự ti dân tộc đấy, đâu hay ho gì", Ngọc Phan viết.
Bên cạnh đó, một số cư dân mạng cũng "nhân tiện" nhắc đến hiện trạng khá phổ biến ở nhiều nơi: Đàn ông khỏe mạnh thản nhiên ngồi ghế ở nhà chờ bến tàu, bến xe, thậm chí ở phòng khám phụ sản, trong khi bà bầu phải đứng. Tài khoản Việt Nga viết: "Có thể vì nhiều lần chứng kiến những hình ảnh này trước đó nên bạn tác giả mới bức xúc như vậy, cũng vì muốn xã hội văn minh hơn thôi mà".
Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.