Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bức ảnh các nàng dâu quỳ gối rửa chân cho mẹ chồng bị nhiều dân mạng phản đối

(VTC News) -

Bức ảnh hàng chục nàng dâu quỳ hoặc ngồi trên đất rửa chân cho mẹ chồng muốn truyền thông điệp về chữ hiếu nhưng lại nhận về nhiều lời chỉ trích, phản đối.

Bưc ảnh được chụp tại quảng trường ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, cho thấy hàng chục nàng dâu trẻ ngồi bệt trên sàn, rửa chân cho mẹ chồng ngồi trên ghế cao. Hình ảnh sự kiện này cũng được đài truyền hình địa phương chia sẻ với tiêu đề: "Chúng tôi là một gia đình hòa thuận".

Theo lãnh đạo địa phương, đây là sự kiện đề cao đức tính hiếu thảo, giáo dục những người trẻ lòng biết ơn cha mẹ và người thân lớn tuổi.

Bức ảnh các nàng dâu rửa chân cho mẹ chồng gây bão mạng Trung Quốc

Tuy nhiên, các sự kiện kiểu này bị nhiều người phản đối công khai trên các diễn đàn trực tuyến. Theo họ, đây là tập tục lỗi thời, thể hiện sự giả tạo và cần loại bỏ trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, nhiều người trẻ tuổi cho rằng việc rửa chân và quỳ lạy trở nên khó chấp nhận trong đời sống ngày nay.

"Hồi còn học cấp 2, tôi rất ghét khi bị thầy cô giáo yêu cầu rửa chân cho bố mẹ. Tại sao không phải rửa mặt hoặc gội đầu? Tại sao cứ phải là bàn chân?", sinh viên Cao Youyou ở Thượng Hải nói. Theo anh, xã hội nên ngừng cổ vũ, những cách thức này. "Chúng tôi yêu bố mẹ, nhưng chúng tôi có thể thể hiện tình cảm áy theo những cách khác".

Năm 2011, Zhu Dake, giáo sư Đại học Tongji, Thượng Hải, người nổi tiếng trong lĩnh vực lịch sử văn hóa Trung Quốc, cũng công khai chỉ trích những nghi lễ này. Ông viết: "Bất kỳ hành động quỳ lạy nào cũng biến lòng biết ơn thành sự tuân phục. Những biểu hiện này của sự tôn kính mâu thuẫn với các giá trị của tự do và bình đẳng. Về bản chất, nó không liên quan gì đến tình yêu thương".

Theo giáo sư, sự cung kính tuyệt đối trong gia đình là nền tảng để triều đình phong kiến xưa ​​tạo ra những thần tử ngoan ngoãn, điều này nên bị loại bỏ trong xã hội hiện đại.

Vài thập kỷ qua, rất nhiều sự kiện rửa chân được tổ chức trên khắp Trung Quốc với mục đích đề cao danh dự và sự tôn trọng các thế hệ đi trước. Một trong các bài tập về nhà phổ biến trong môn Đạo đức là yêu cầu học sinh rửa chân cho cha mẹ, ông bà. Các nhà chức trách cố gắng "hồi sinh" lòng hiếu thảo vì lo ngại rằng bối cảnh già hóa dân số thế kỷ 21 làm suy yếu mối quan hệ gia đình.

Giáo sư Xiao Qunzhong, Đại học Renmin Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói: "Dù không thể thuyết phục mọi người tin rằng lòng hiếu thảo là gốc rễ của mọi thứ, nhưng chúng ta phải thừa nhận đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi phải đối mặt với những vấn đề mới trong thời hiện đại".

Ông Xiao cũng nêu một thực tế là trong mấy thập kỷ qua, người Trung Quốc trong độ tuổi lao động ồ ạt rời quê lên thành phố kiếm sống, nhiều ngôi làng hầu như chỉ còn người già. "Việc nhấn mạnh truyền thống hiếu thảo có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh này", giáo sư nói.

Vân Anh (Nguồn: SCMP)

Tin mới