Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bữa cơm khốn khó thời vật giá leo thang ở xóm trọ nghèo giữa Hà Nội

(VTC News) -

Giá hàng hóa đắt đỏ ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của người lao động nghèo đang cố bám trụ ở Hà Nội, khiến họ phải chật vật xoay xở từng bữa ăn.

Video: Bữa cơm nghèo khó tại một xóm trọ nghèo ở Hà Nội.

Hà Nội cũng như những thành phố lớn khác luôn thu hút người lao động tứ xứ đến làm việc, sinh sống, kiếm thêm thu nhập. Nhưng ở đây, giá hàng hóa thường xuyên tăng khiến họ phải thắt chặt chi tiêu, chi li tính toán để bữa ăn hàng ngày không thiếu thịt.

Phía sau chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) là một khu trọ tồi tàn - nơi ở của những người lao động nghèo đang vất vả mưu sinh.

Bà Nhung (quê Hưng Yên) đã ở khu trọ này gần 10 năm. Hàng ngày bà sống bằng công việc thu gom ve chai ngoài chợ đầu mối Long Biên. Trung bình mỗi ngày, bà Nhung kiếm được 70.000 - 100.000 đồng.

Với thu nhập ít ỏi này, bà Nhung rất lo lắng khi thấy giá các loại hàng hóa tăng vùn vụt. Dạo gần đây, bà không dám mua nhiều thực phẩm để tiết kiệm tiền. Vì thế, bữa ăn của bà vốn đã đơn giản giờ càng đạm bạc hơn. "Trước kia, với 30.000 đồng, tôi thường mua 5.000 rau xanh, 2 lạng thịt heo. Nếu dè dặt, tôi có thể ăn được 2 bữa. Nhưng bây giờ, cũng với số tiền đó, tôi không thể mua được như trước. Giá rau hiện phải 10.000 - 15.000 đồng, còn thịt heo có lúc tăng lên 17.000 - 18.000 đồng/lạng, bình thường thì cũng 13.000 - 15.000 đồng/lạng. Chưa kể còn phải chi tiền cho đủ loại gia vị, tiền gas...Vì thế tôi không dám ăn nhiều thịt, thay vào đó là trứng, đậu", bà Nhung nói.

Căn nhà trọ tồi tàn cũng "ngốn" của bà 600.000 đồng tiền thuê hàng tháng. “Tôi nhớ vài năm trước, giá nhà chỉ bằng một nửa nhưng đã tăng dần lên mức như hiện nay, tôi đang lo sợ còn tăng nữa. Trong 10 năm sống ở Hà Nội, tôi thấy giá các mặt hàng ngày càng tăng", bà chia sẻ.

Căn nhà trọ tạm bợ của bà Nhung, cửa được gia cố bằng một vài sợi dây.

Cách nhà bà Nhung không xa là nhà anh Công (Ba Vì). Anh làm nghề buôn bán trái cây, cũng đã sống ở Hà Nội hơn 10 năm. Hàng ngày sau khi bán hàng, anh Công trở về nấu bữa tối và bữa sáng hôm sau. "Trước kia, việc này với tôi không quá khó. Nhưng giờ đây do giá cả tăng nên tôi phải tìm cách chi tiêu cho hợp lý. Hôm nay, tôi chỉ mua ít thịt gà và một mớ rau, vậy mà cũng 70.000 đồng, đắt hơn trước rất nhiều. Rồi tiền phòng trước kia chỉ 1.300.000 đồng giờ cũng tăng lên 1.600.000 đồng. Sống ở Hà Nội khó nhất là tính toán cho từng bữa ăn, khi giá cả chỉ tăng mà không giảm" , anh Công nói.

Bữa cơm tiết kiệm của anh Công.

Giá thực phẩm ngày càng cao làm anh Công từ lâu không thể bày vẽ nhiều món mà chỉ mua một món mặn và ít rau xanh. Nếu hôm nay muốn cải thiện bữa ăn thì ngay lập tức sau anh phải thắt chặt trở lại, nếu không sẽ hao hụt khoản tiền dùng để chi cho các việc khác.

2 vợ chồng anh Trường (Ba Vì) cũng hành nghề bán trái cây, ở căn hộ phòng 12 m2, với giá thuê 1.300.000 đồng/tháng. "Vợ chồng tôi cứ 1, 2h sáng sẽ ra chợ Long Biên lấy hàng. Sau đó vợ thì đi xe đạp bán quanh Hà Nội, còn chồng đi xe máy sang tận Bắc Ninh. Trung bình mỗi tháng 2 vợ chồng cố gắng đi chợ chăm thì cũng kiếm được 10 - 15 triệu đồng. Chúng tôi chỉ tiêu 5 - 6 triệu, còn lại thì gửi về quê để nuôi con", anh Trường chia sẻ.

Với số tiền này, vợ chồng anh cũng đau đầu lo bữa cơm hàng ngày. "Giá cả giờ cao quá. Hôm nay tôi muốn tẩm bổ cho chồng nên mua ít sườn và thịt nạc heo, vậy mà cũng mất đến 120.000 đồng, đó là chưa kể tiền rau. Tôi phải chia thịt, sườn thành các bữa nhỏ để đỡ tốn kém", vợ anh Trường nói. Khu bếp nấu ăn nhà anh chị cũng vô cùng tối giản với 1 bếp gas cùng một số loại gia vị cơ bản.

Những lúc về quê, anh chị tận dụng mang thức ăn từ quê lên, để tránh việc tốn tiền mua đồ giá đắt ở Hà Nội. "Giá cả tăng cao khiến số tiền chúng tôi tiết kiệm để gửi về quê ngày càng ít. Nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi còn khó khăn nữa. Việc buôn bán thì vẫn vậy, thậm chí còn ế ẩm hơn vì giá trái cây cũng tăng, người dân hạn chế mua hơn. Hiện nay tôi không dám nhập hàng nhiều vì sợ không bán được. Thu nhập không tăng mà tiền chi ngày càng tăng, vì thế tôi phải suy tính có nên cố gắng trụ ở Hà Nội nữa không", anh Trường lo lắng nói.

Những món ăn này với người bình thường là đơn giản, nhưng với người lao động nghèo đã là xa xỉ và họ thường phải tiết kiệm bằng cách san sẻ, tích trữ cho nhiều bữa. "Chỉ cần no thôi, chứ thỉnh thoảng mới dám ăn ngon hơn một chút, vì cái gì cũng đắt, tiền thì không có, lấy đâu ra mà mua thường xuyên", chị Thường (ở Ba Vì) chia sẻ.

Khu nhà trọ tồi tàn nhưng không ai muốn chuyển đi. Vì với giá cả hiện nay thì khó có thể tìm được chỗ nào rẻ hơn ở Hà Nội. Do đó, họ vẫn chấp nhận sống tạm trong những ngôi nhà ổ chuột và chạy ăn từng bữa, thắt chặt chi tiêu để cố gắng bám trụ ở Hà Nội, mong tích cóp chút vốn liếng làm kế sinh nhai. Nhưng không ít người vẫn phải rời phố về quê vì không gánh nổi những khoản chi vượt quá mức thu nhập của họ.

Minh Đức

Tin mới