Hồi tháng 12, Trung Quốc thông báo kế hoạch tiêm chủng cho 50 triệu người trước ngày 11/2. Tuy nhiên, tính tới ngày 22/2, quốc gia tỷ dân mới chỉ tiêm 40,5 triệu liều. Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc chỉ là 2,89 liều/100 người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 19,33 liều/100 người của Mỹ.
Các vấn đề sản xuất và ngoại giao xuất khẩu vaccine được đánh giá là hai nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng trong nước của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.
Nhưng một yếu tố quan trọng hơn là lo ngại của chính người dân nước này về tính an toàn và tác dụng phụ của vaccine.
Các vụ bê bối vaccine trong quá khứ khiến nhiều người Trung Quốc ngại tiêm vaccine nội. (Ảnh: AP)
Theo Bloomberg, chỉ 1/3 nhân viên làm việc tại các công ty Trung Quốc mà họ liên hệ tỏ ra quan tâm tới việc tiêm vaccine.
Trong quá khứ, một số chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc từng nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân. Nhưng gió bắt đầu đổi chiều sau các vụ bê bối trong một thập kỷ trở lại đây.
Năm 2016, Trung Quốc phải đóng cửa một cơ sở sản xuất vaccine bất hợp pháp hoạt động từ năm 2011 và bán ra thị trường 2 triệu liều vaccine không được bảo quản đúng cách.
Một cuộc khảo sát được thực hiện hai tháng sau khi vụ việc xảy ra cho thấy 16% phụ huynh không tiêm chủng cho con mình vì lo ngại vaccine không an toàn.
Năm 2018, hãng sản xuất vaccine Changchun Changsheng Bio-technology bị phát hiện bán hơn 250.000 liều vaccine DPT kém chất lượng tại tỉnh Sơn Đông. DPT là loại vaccine kết hợp phòng ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván ở người.
Các án phạt và án tù được đưa ra nhưng thiệt hại theo sau nó còn kéo dài.
Một cuộc khảo sát sau vụ bê bối cho thấy khoảng 70% người được hỏi không tin tưởng vào việc tiêm chủng và hơn một nửa không hài lòng với phản ứng của chính phủ.
Vài năm trở lại đây, truyền thông Trung Quốc thường đưa tin về việc các công ty nước này ngụy tạo dữ liệu về vaccine để chứng minh độ an toàn hoặc chế tạo các loại vaccine có nguy cơ gây bệnh cho trẻ sơ sinh.
Hồi giữa tháng 2, cảnh sát Trung Quốc triệt phá đường dây làm giả 58.000 liều vaccine, kiếm lợi 2,8 triệu USD.
Niềm tin vào vaccine nội địa của người dân quốc gia tỷ dân vì thể càng trở nên bị xói mòn.
Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ chương trình vaccine chống COVID-19. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy công dân nước này sẵn sàng tiêm chủng.
Một cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy người Trung Quốc mong muốn sớm được tiêm vaccine hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Tuy nhiên ông Abram Wagner - nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan nói ông không ngạc nhiên khi tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc thấp.
Chuyên gia này cho rằng tham gia một cuộc khảo sát và quyết định có tiêm vaccine hay không là hai vấn đề khác biệt.
Theo Bloomberg, để khắc phục nỗi lo của người dân về vaccine, giới chức Trung Quốc cần đưa ra các quan điểm về việc ủng hộ vaccine như công khai việc tiêm chủng của họ.
"Đó là bài tập xây dựng lòng tin mà giới tinh hoa Trung Quốc thường không thực hiện. Nhưng giữa đại dịch, nó đáng để thử", Bloomberg bình luận.