Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bóng đá Việt Nam: Nhìn từ tấm huy chương vàng SEA Games lịch sử

(VTC News) -

Chức vô địch SEA Games lịch sử làm thức dậy trong mỗi chúng ta những giá trị rất con người mà vốn dĩ hay bị bỏ quên trong sự bộn bề của cuộc sống.

17h30 ngày 10/12/2019, đường phố Sài gòn vắng lặng một cách lạ thường. Mọi ngày, ở cữ tan tầm này, những tuyến đường gần trung tâm như Pasteur, Phạm Ngọc Thạch, Điện Biên Phủ… xe cộ ùn ứ và dòng người chỉ biết nhẫn nại nhích từng chút, từng chút trong khói bụi mỏi mệt. Nhưng ngày 10/12 là một ngày đặc biệt.

Sự vắng lặng của đường phố cho người ta cảm giác liên tưởng đến những ngày lễ, Tết. Nhưng nhìn những điểm bán cờ, bandit “du kích” bỗng nhiên mọc lên trên các tuyến đường là mọi người đủ hiểu. Chỉ có bóng đá mới có thể tạo nên thay đổi đột ngột đến thế. 

19h bóng mới lăn nhưng mỗi người đã yên vị đâu đó ở nơi tụ họp với bạn bè chờ trận chung kết SEA Games. Nói đúng hơn, họ chờ đợi một thứ còn vượt xa cả trận chung kết ấy. Họ đợi bộ HCV môn bóng đá nam, chỉ 2 ngày sau khi ông Mai Đức Chung và những anh thư túc cầu Việt Nam đã giành lấy bộ HCV môn bóng đá nữ.

 

Có lẽ, ở nhiều đô thị đông đúc ở Việt Nam, đường phố cũng đã “Tết” như vậy. Hiếm hoi lắm, hoạ hoằn lắm mới có một dịp nào mà cả nước cùng chung một đợi chờ, chung một kỳ vọng và kết thúc là chung một niềm vui.

Trước khi trận chung kết diễn ra, có không ít người vẫn còn cố dò hỏi thông tin để tự trả lời câu hỏi “Quang Hải có thể ra sân được hay không?”. Tất nhiên, phần lớn những người đặt câu hỏi đó đều không phải là tín đồ bóng đá sành sỏi.

Người sành và am hiểu thừa biết Quang Hải không thể ra sân. Và sau trận chung kết, có một bình luận khá thú vị của một khán giả trên một bài báo điện tử đại khái rằng “Sao lúc nhận huy chương, Hùng Dũng không trả lại băng đội trưởng cho Quang Hải nhỉ?”. Cũng tất nhiên, người đặt câu hỏi đó cũng là một cá nhân xem bóng đá kiểu phong trào.

Nhưng có sao đâu. Tình yêu và hạnh phúc không phân biệt người sành sỏi hay người amateur.

Song, câu chuyện xoay quanh cái tên Quang Hải có thể khiến chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều. Chỉ hai năm trước thôi, chính xác là trước sự kiện Thường Châu tuyết trắng, gần như không nhiều người biết đến Quang Hải. Cái tên của cậu trai CLB Hà Nội ấy chỉ quen thuộc với ai theo dõi bóng đá nội lâu năm, cánh phóng viên, bình luận viên thể thao và giới chuyên môn, đồng nghiệp mà thôi.

Quang Hải (số 19) đeo băng đội trưởng U22 Việt Nam.

Nhưng ở vào thời điểm cuối năm 2012 này, Quang Hải đã là cái tên có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và không thua gì những tên tuổi đình đám của showbiz như Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Jack & KiCM hay Đen vâu. Chính vì tầm ảnh hưởng sâu và rộng ấy mà những câu hỏi kể trên về Quang Hải đã được đặt ra.

Nói không ngoa, Hải chính là biểu tượng của bóng đá Việt Nam đương đại và vị trí biểu tượng ấy Hải chỉ mất khoảng 3 năm để đạt được (tính từ khi cậu bắt đầu lộ sáng ở hệ đội tuyển). Nếu so với khoảng thời gian mà Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Công Vinh đã trải qua để đạt vị trí biểu tượng đó, chúng ta sẽ thấy Quang Hải khác như thế nào cũng như thời đại đã biến đổi ra sao.

Mấy năm gần đây, có hai tiếng được dùng khá phổ thông trong cộng đồng là “quốc dân”. Nó như một tính từ dành riêng cho những ai được yêu mến, những sản phẩm được ưa thích một cách phổ cập. Và Quang Hải, cùng với lứa tuyển thủ đồng đội của mình, chính là những nhân tố “quốc dân” ấy. Và chính vì họ mà cơn sốt vé Mỹ Đình mới trở nên ồn ào, dai dẳng hơn bao giờ hết.

Thực sự, mua một cặp vé ĐTVN thi đấu trên sân nhà có lẽ khó chẳng khác gì mua vé xem World Cup. Và nguyên nhân của sự khó ấy không nằm ở giá trị, tầm vóc của giải đấu, mà nó đúng theo luật cung-cầu khi cầu vượt gấp triệu lần cung. Sự vượt trội ấy là giá trị của một thứ to lớn hơn bất kỳ những giá trị nào: tình yêu, niềm tin và sự ngưỡng vọng.

Sẽ thực sự là một cơn bão ào qua rồi sau đó cũng chìm luôn vào quên lãng nếu như thành tích của các hệ ĐTVN chỉ là một sự kiện bất thường, và nhất thời. Nó giống như thời chúng ta vô địch AFF Cup 2008 vậy. Lứa cầu thủ 2008 cũng là một lứa đẹp, và tài năng. Nhưng thành công của họ không nối dài nên từ đó cơn sóng kích thích ban đầu mà họ tạo ra cũng không được nuôi dưỡng thành một trùng dương.

HLV Park Hang Seo cùng U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30.

Còn lứa cầu thủ hôm nay thì khác. Tính từ khi họ xuất hiện ở World Cup U20 thế giới hồi hè 2017 đến nay, đã gần ba năm trời họ thuyết phục được khán giả nhà dù cho 2017 là một năm đáng quên với bóng đá Việt Nam ở SEA Games.

Việc một tình cảm mới nhen lên được nuôi dưỡng trong 3 năm trời thực sự mới là kỳ tích. Bởi nó tạo ra một thứ lạc quan chung lan tỏa trong cộng đồng. Bóng đá trở thành một ngôi nhà chung để người Việt ẩn nấp vào đó mỗi khi gặp những gian khó trong đời sống.

Cứ mỗi lần ĐTQG, U22, U23 hay U20 được tập trung và thi đấu, người Việt lại dẹp hết những mối lo toan lại để cùng tề tựu lại dưới mái nhà kia, hướng về một màu cờ chung, một sắc áo chung, những biểu tượng chung.

Và thực sự 3 năm ấy, những người yêu bóng đá Việt Nam đã cảm nhận rất khác về thế hệ tuyển thủ hôm nay. Họ không còn nhìn thấy trong thành công của lứa tuyển thủ này cái gọi là may mắn thuần túy nữa khi nối tiếp câu chuyện Thường Châu là chức vô địch AFF Cup, là ngôi đầu bảng vòng loại World Cup và mới đây nhất là chức vô địch SEA Games đầu tiên của bóng đá Việt Nam thống nhất (chức vô địch SEA Games thứ hai của người Việt).

Ở đó, họ nhận thấy sự tiến bộ về trình độ, sự tích cực của thái độ và cả sự trưởng thành của một thế hệ trẻ. Và họ cũng tìm thấy một thần tượng chung: ông Park Hang Seo, người đàn ông chiếm diễn đàn mạng xã hội nhiều bậc nhất Việt Nam mỗi năm.

Người ta thường nói rằng, thứ nhanh nhất để có thể đoàn kết một cộng đồng chính là chỉ ra cho họ một kẻ thù chung. Nhưng có lẽ rằng chỉ nhìn nhận như thế thì phiến diện và cực đoan quá. Đáp ứng một khát vọng chung cũng có thể đoàn kết cả một cộng đồng mà chính câu chuyện của những cầu thủ U22 vừa rồi, và trước đó là những tuyển thủ quốc gia ở AFF Cup 2018, là minh chứng rõ rệt nhất.

Song, cái tích cực lớn nhất mà chức vô địch SEA Games lịch sử mang lại không chỉ là việc nó tạo ra cảm hứng bằng cách đáp ứng một khát vọng chung của cả gần trăm triệu con người chung một tình yêu. Nó cũng không chỉ là một trong những kết quả mang tính động lực của một nền bóng đá đang vào vận hội mới. Nó còn đánh thức lại trong mỗi chúng ta những giá trị rất con người mà vốn dĩ chúng ta thường hay bỏ quên trong sự bộn bề của đời sống.

Chẳng hạn như câu chuyện gia đình thủ thành Văn Toản dựng rạp mời cả xóm đến ăn cỗ xem trực tiếp chung kết. Từ niềm vui riêng của một gia đình đến niềm tự hào của cả một xóm, cái gắn kết đơn sơ ấy chinh là tình xóm giềng rất truyền thống của người Việt. Hay hành động thăm hỏi, xin lỗi của Văn Hậu với cầu thủ bị chấn thương của Indonesia sau trận cầu cũng vậy.

Nó là một thái độ có văn hoá, dám đảm lãnh trách nhiệm, một tinh thần thượng võ cần phải có. Từng chi tiết nhỏ, hành vi nhỏ như vậy thôi cũng có khả năng đánh thức trong mỗi con người cái phần tử tế, tích cực và hướng thiện.

Tôi xin khép lại bài viết lan man này bằng hình ảnh mà tôi thích nhất. Đó là khi hồi còi mãn cuộc đã dứt, trên sân Rizal Memorial những người Việt bừng lên ăn mừng trong cơn vỡ oà đầy cảm xúc. Và có một bàn tay của ai đó trong BHL đã đưa cho ông Park Hang Seo lá quốc kỳ Việt Nam.

Ông ấy nhận lấy nó, căng nó lên nhưng hành vi làm tôi ấn tượng chính là ông liên tục vỗ mạnh lên ngực trái, nơi quốc kỳ Việt Nam được thêu trên tấm áo của ông. Sẽ không có màu cờ nào khiến ông Park yêu hơn màu cờ Hàn Quốc của mình nhưng thể hiện tình cảm với lá quốc kỳ của nơi mình đang làm việc, đang gánh vác một trách nhiệm là thái độ của một người chuyên nghiệp.

Chúng ta cũng cần học lấy cả sự chuyên nghiệp ấy từ câu chuyện bóng đá hôm nay. Chỉ có thái độ chuyên nghiệp mới có thể mang lại những kết quả mong đợi mà thôi. Còn vận may ư, nó luôn tồn tại như một phần thưởng phụ nhưng không phải lúc nào người chơi cũng được quyền lĩnh thưởng.

Hà Quang Minh

Tin mới