Các điều kiện chuyển trường đại học thành đại học được Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định 99 (hiệu lực từ ngày 15/2/2020) áp dụng cho các trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.
Thứ nhất, trường đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
Thứ hai, trường cần ít nhất 3 trường đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Về quy mô đào tạo sinh viên chính quy từ 15.000 em trở lên.
Thứ ba, trường cần ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với đại học công lập, còn với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn.
Thứ tư, trường xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung. Đồng thời làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nghị định cũng cho phép các trường đại học đơn lập được liên kết để trở thành đại học chung. Theo đó, phải có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Các trường tham gia liên kết phải xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung, các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản. Ngoài ra, phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Hồ sơ chuyển trường đại học thành đại học, gồm: Tờ trình đề nghị chuyển trường đại học thành đại học, nghị quyết của hội đồng trường, đề án chuyển trường đại học thành đại học, dự thảo quy chế tổ chức hoạt động của đại học, các giải pháp giải quyết rủi ro khi chuyển đổi (nếu có), đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý.
Các trường sẽ gửi hồ sơ chuyển đổi cho Bộ GD&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng quyết định.
Mới đây, Thủ tướng ký quyết định chuyển trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thuộc Bộ GD&ĐT có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Chính phủ yêu cầu Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lại cơ cấu và hoạt động trên cơ sở trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định. "Quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản", quyết định nêu rõ.
Về cơ cấu tổ chức, hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng đại học, công nhận chủ tịch hội đồng và giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Việt Nam hiện có 6 đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.