"Tòa án không nên tiếp tay cho việc lạm dụng quy trình tư pháp và nên gửi một tín hiệu rõ ràng và không thể nhầm lẫn rằng sự lạm dụng không bao giờ được phép tái diễn", các bang chiến trường trên cho biết trong một cuộc họp ngắn hôm 10/12.
Tuyên bố này được đưa ra 3 ngày sau khi Texas đâm đơn kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, cáo buộc bốn bang trên "vi phạm Điều khoản đại cử tri của Hiến pháp vì thay đổi quy tắc và thủ tục bỏ phiếu thông qua tòa án hoặc sắc lệnh hành pháp thay vì thông qua cơ quan lập pháp bang".
Trong đơn kiện, Texas kêu gọi Tòa án Tối cao Mỹ hủy kết quả bầu cử, hoãn phiên bỏ phiếu của cử tri đoàn dự kiến tổ chức vào ngày 14/12 tới và cho phép cơ quan lập pháp của các bang bị kiện chỉ định đại cử tri tham gia phiên họp này.
Các bang bị kiện đồng loạt chống lại đơn kiện của Texas. (Ảnh: Getty Images)
Đơn kiện của Texas được 17 bang khác ủng hộ. Nhóm pháp lý của Tổng thống Trump cũng đệ trình kiến nghị yêu cầu Tòa án Tối cao cho phép nhà lãnh đạo Mỹ tham gia vụ kiện ở Texas. Mới đây nhất, hơn 100 nghị sĩ Cộng hòa đã ký hồ sơ pháp lý liên quan tới đơn kiện của Texas.
Trước các diễn biến này, đặc khu Columbia và 22 bang có truyền thống ủng hộ Dân chủ đã đệ trình một bản tóm tắt ủng hộ bốn bang chiến trường, thúc giục Tòa án Tối cao bác bỏ vụ kiện của Texas.
Trong lá đơn gửi 9 thẩm phán Tòa án Tối cao, Tổng chưởng lý Pennsylvania Josh Shapiro khẳng định những gì mà Texas đang làm chỉ là yêu cầu tòa xem xét lại hàng loạt cáo buộc vô căn cứ về các vấn đề trong cuộc bầu cử vốn đã được các tòa án khác xem xét và bác bỏ.
Nhấn mạnh vụ kiện ở Texas làm gia tăng một loạt tuyên bố sai sự thật về cuộc bầu cử, ông Shapiro khẳng định nỗ lực này không có cơ sở pháp lý hay thực tiễn.
Chia sẻ quan điểm trên, Tổng chưởng lý Michigan Dana Nessel nói nỗ lực của Texas là thách thức chưa từng có.
Tổng chưởng lý Georgia Chris Carr gọi các cáo buộc của Texas như tình tiết trong tiểu thuyết và những gì bang này tìm kiếm không dựa trên các nguyên tắc pháp lý.
Trong khi đó, Tổng chưởng lý Wisconsin Josh Kaul nhắc lại việc Tổng thống Trump đã không thể thay đổi kết quả sau khi yêu cầu kiểm phiếu lại tại các hạt ở các bang nghiêng về đảng Dân chủ.
"Không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ gian lận nào hoặc bất kỳ điều gì khác có thể đặt câu hỏi về độ tin cậy của kết quả bầu cử", ông nhấn mạnh.
Các chuyên gia pháp lý nhận định vụ kiện ở Texas có rất ít cơ hội thành công, đồng thời đặt câu hỏi liệu Texas có đủ tư cách pháp lý để thách thức các thủ tục bầu cử ở các bang khác hay không.
Ông Carr lưu ý những người đồng cấp của mình ở các bang bị kiện còn lại rằng Texas không thể cho thấy bang này bị tổn hại bởi kết quả bầu cử ở các bang khác.
Cán cân của Toà án Tối cao Mỹ đang nghiêng về phe bảo thủ với sáu thẩm phán phe bảo thủ so với ba thẩm phán tự do. Trong số này có ba người được ông Trump đề cử. Trước cuộc bầu cử, Tổng thống Trump từng tuyên bố ông kỳ vọng Tòa án tối cao sẽ quyết định người thắng cử.
Nhiều người lo ngại đơn kiện của bang Texas sẽ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp trong trường hợp Tòa án Tối cao có ý định tước tư cách đại cử tri của bốn bang bị kiện.
Các đại cử tri Mỹ sẽ đi bầu Tổng thống vào ngày 14/12 tới.