Tờ New York Times dẫn lời quan chức quân đội Ukraine cho biết, bom lượn của Nga đang tấn công các vị trí của Ukraine một cách hiệu quả, thậm chí xuyên thủng các boongke dưới lòng đất và gây ra mối đe dọa đáng kể cho quân đội nước này.
Nguồn tin cũng tiết lộ, kể từ tháng 3/2023 binh sĩ Ukraine liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng pháo binh và chịu sự tàn phá của bom lượn do máy bay chiến đấu Nga thả xuống.
Tác động tàn khốc của bom lượn khiến ngay cả những binh lính dày dạn kinh nghiệm, quen với việc pháo kích cũng cảm thấy ghê gớm. Ukraine mô tả loại vũ khí này chứa nửa tấn thuốc nổ, có khả năng xuyên phá các hầm ngầm kiên cố của họ.
Một quân nhân Ukraine với biệt danh “Kit” đã mô tả những quả bom lượn của Nga thường được triển khai theo cặp, với tám đợt ném bom mỗi giờ, tạo ra âm thanh đáng sợ giống như một chiếc máy bay phản lực đang hạ cánh. “Nghe giống như một chiếc máy bay phản lực lao xuống”, người lính trên chia sẻ.
Trong cuộc phỏng vấn với Daily Telegraph hồi tháng 5/2023, người phát ngôn không quân Ukraine Yury Ignat thừa nhận bom lượn đã gây ra "mối đe dọa rất nghiêm trọng. Đôi khi chúng tôi có thể đánh chặn tên lửa S-300, nhưng những quả bom này là một vấn đề". Ông Yury Ignat mô tả loại vũ khí này là một lựa chọn rẻ hơn so với các loại tên lửa khác.
Bên cạnh việc sử dụng bom lượn, quân đội Nga cũng tích cực triển khai máy bay không người lái hoặc phối hợp tấn công bằng pháo binh để truy lùng mục tiêu. Điều này ảnh hưởng đến các tuyến đường tiếp tế cho tiền tuyến và khiến việc di chuyển của lực lượng Ukraine trở nên khó khăn. Máy bay không người lái Nga đã buộc quân đội Ukraine phải từ bỏ di chuyển bằng phương tiện xe cộ và chuyển sang đi bộ với khoảng cách xa.
Một quả bom lượn của Nga. (Ảnh: Forbes)
Thử thách đánh chặn
Được trang bị bộ dụng cụ lượn, loại bom này có lợi thế về khoảng cách phóng kéo dài, giảm thiểu sự tiếp xúc của máy bay phóng trước lực lượng phòng không của đối phương, một chiến thuật tương tự như những quả bom JDAM-ER do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Mặc dù loại bom lượn cũng có những hạn chế nhất định, nhưng các quan chức quân sự Ukraine vẫn cảnh báo, những quả bom lượn này khi được máy bay chiến đấu Nga triển khai ở độ cao cực thấp trên chiến tuyến sẽ tạo ra sức tàn phá ghê gớm.
Lực lượng không quân Nga trang bị cho các máy bay ném bom chiến đấu của mình những quả bom có cánh, dẫn đường bằng vệ tinh, có khả năng tấn công chính xác từ độ cao hàng chục nghìn mét.
Việc sử dụng bom lượn UPAB-1500 và FAB-500 đã giúp các máy bay chiến đấu Nga nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các hệ thống phòng không trên mặt đất của Ukraine một cách hiệu quả.
Điều này không chỉ cản trở khả năng của không quân Ukraine trong việc đánh chặn máy bay chiến đấu Nga trước khi triển khai bom, mà còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng dân sự, dẫn đến thương vong đáng kể, gây ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý binh lính và người dân Ukraine.
Vào tháng 12/2023, đại tá Nga Roman Kostenko, Thư ký ủy ban An ninh Quốc phòng và Tình báo, Verkhovna Rada cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine thiếu các phương tiện thích hợp để chống lại những quả bom lượn này.
Người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine, tướng Yury Ignat cũng nhấn mạnh, mọi nỗ lực đánh chặn những quả bom này là không thực tế cũng như không hợp lý. Thay vào đó, ông ủng hộ chiến lược tập trung vào tấn công các máy bay phóng những quả bom lượn này.
Olexandr Solon'ko, một binh sĩ Ukraine trước đó cũng bày tỏ “Bom lượn là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của quân đội Ukraine". Tình cảnh trên nhấn mạnh sự lo ngại ngày càng tăng trong quân đội Ukraine về tác động và mối đe dọa do những loại vũ khí này gây ra.
“Người Nga sử dụng chúng một cách rộng rãi”, Solon'ko viết. “Tôi không thể nói về độ chính xác của chúng, nhưng vũ khí này rất mạnh”.
Bom lượn chính xác JDAM-ER của Ukraine.
Ngoài những cân nhắc về mặt quân sự, việc sử dụng loại vũ khí dẫn đường gắn trên những quả bom lượn này được cho là phù hợp với khả năng kinh tế của các nhà hoạch định quân sự Nga.
Với giá thành khoảng 24.000 USD, bom lượn là loại vũ khí tương đối rẻ, sử dụng vây để mở rộng tầm bắn, nhưng không giống như tên lửa, bom không có động cơ đắt tiền. Chúng được máy bay chiến đấu bay ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không đối phương và thoải mái phóng những quả bom lượn vào mục tiêu. Các biến thể hiện đại của bom lượn còn được trang bị hệ thống hướng dẫn để đảm bảo độ chính xác.
Trong bối cảnh xung đột với Ukraine, Nga đã tiến hành sản xuất hàng loạt bộ dụng cụ nâng cấp có thể biến các loại bom cũ dự trữ trong kho vũ khí của mình thành bom lượn. Các phương tiện truyền thông phương Tây đã nhiều lần khẳng định rằng những vũ khí này là mối đe dọa lớn đối với quân đội Ukraine.