Vụ cô dâu “bom” 150 mâm cỗ của nhà hàng Tâm Phúc (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) dần được làm sáng tỏ, khi cơ quan công an tìm được cô dâu này là Cà Thị Út (SN 1996, trú tại xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ) và đưa về làm việc.
Út khai nhận do quen biết với chủ nhà hàng, vào tháng 8/2020, Út đặt 7 mâm cỗ của nhà hàng Tâm Phúc với số tiền 7 triệu đồng. Sau đó, do không có tiền trả, cô gái này hứa hẹn đến khi tổ chức đám cưới sẽ trả nốt.
Tiếp đó, theo yêu cầu đặt cỗ của Út để tổ chức lễ báo hỷ, trong 2 ngày 24-26/9, chủ nhà hàng chuyển 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) đến nhà cô này.
Út tiếp tục hứa sẽ thanh toán hết tiền sau buổi tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng với 150 mâm cỗ đặt vào ngày 30/9.
Tuy nhiên, đến ngày này, Út bỏ trốn, khiến chủ nhà hàng bị thiệt hại trên 200 triệu đồng, buộc người này phải trình báo cơ quan công an.
Hành vi trên của Cà Thị Út được cơ quan công an nhận định có dấu hiệu tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ đưa cô này đi giám định tâm thần.
Khu vực nhà hàng tổ chức 150 mâm cỗ do Út đặt nhưng không có ai đến dự.
Trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, vụ việc trên có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Để có căn cứ khởi tố và định khung hình phạt, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định giá trị tài sản bị chiếm.
“Nhưng lưu ý, cần phải làm rõ phần giá trị tài sản đã bị chiếm đoạt, không gộp phần tài sản chưa chiếm đoạt (150 mâm cỗ) vào”, luật sư Hưng nói.
Luật sư Hưng nhận định thêm, với diễn biến tâm lý của cô gái này cũng có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, nên việc giám định tâm thần là rất cần thiết.
“Nếu cô gái này đang mắc bệnh tâm thần khi thực hiện đặt cỗ để chiếm đoạt thì sẽ không bị xử lý hình sự. Người này sẽ bị bắt buộc đi chữa bệnh.
Số tiền chiếm đoạt của nhà hàng, người giám hộ của cô gái sẽ dùng tài sản của cô này hoặc nếu không có thì lấy của người giám hộ để bồi thường. Trong trường hợp, người giám hộ chứng minh họ không có lỗi trong việc này thì sẽ không phải bồi thường cho cô gái”, luật sư Hưng phân tích.
Đồng quan điểm với luật sư Hưng, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, nếu cô gái này mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi trước và trong thời điểm đặt cỗ để chiếm đoạt tài sản thì người này sẽ không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, cô gái sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Ngược lại, khi Út đặt cỗ để chiếm đoạt tài sản của chủ quán vẫn trong tình trạng nhận thức được hành vi, nhưng sau khi thực hiện xong hành vi này, do chịu nhiều áp lực, cô gái bị mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức thì vẫn bị bắt buộc đi chữa bệnh. Tuy nhiên, sau khi chữa bệnh khỏi thì người này vẫn sẽ bị xử lý hình sự.
Luật sư Cường phân tích, nếu hành vi của Út chỉ dừng lại ở việc đặt 150 mâm cỗ cưới nhưng không đến ăn hoặc không trả đủ tiền thì đây là quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, việc đặt 150 mâm cỗ để chiếm đoạt tài sản hai lần đặt cỗ trước thì có dấu hiệu tội phạm.
“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của cô gái này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, đã nhận tài sản của nạn nhân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường nói.
Luật sư Cường phân tích thêm, nếu làm rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể tạm giam người này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cô gái chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng hành vi cấu thành tội phạm vẫn xử lý theo quy định của pháp luật nhưng sẽ cân nhắc khi lượng hình.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.