Ngày 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch
Theo Bộ Y tế, tính đến hết 19/1, Việt Nam ghi nhận 2.078.087 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả nước có 1.786.371 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 36.114 ca tử vong (chiếm 1,7%). Số ca tử vong đã giảm, từ 300-350 ca/ngày trước đây nay chỉ còn 200 ca/ngày. Ngoài ra, số bệnh nhân nặng cũng giảm đến 2/3 so với thời kỳ đỉnh dịch.
Về tiêm chủng, Việt Nam là một trong 6 nước tỷ lệ bao phủ vaccine lớn trên thế giới. Đáng chú ý, ngành Y tế đã hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine cho hơn 70% dân số sớm hơn 6 tháng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 sáng nay 20/1. (Ảnh: Trần Minh/SKDS)
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu của Bộ trong năm 2022 vẫn là triển khai các kịch bản phòng chống dịch theo 4 cấp độ. Tuy nhiên, với độ bao phủ vaccine ở mức cao như hiện nay, Bộ sẽ điều chỉnh các tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát các ca bệnh mới trong cộng đồng sang kiểm soát người mắc COVID-19 phân loại theo nguy cơ cao và rất cao. Bộ cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và hành chính phù hợp để qua đó có các biện pháp phù hợp, hiệu quả hơn khi có những biến chủng nguy hiểm mới xuất hiện.
Nhiệm vụ trong năm 2022 của ngành Y tế là tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động của ngành và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.
Song song với đó, ngành Y tế sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, qua đó từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến và có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp.
"Bộ sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của ngành để siết chặt quản lý nhà nước cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời thực hiện kịp thời công tác thi đua, khen thưởng để động viên, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động vượt khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao”, ông Long nhấn mạnh.
Chưa kiểm soát dịch hoàn toàn
Theo ông Long, năm 2022, dịch COVID-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.
Đặc biệt, tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên số mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron và có thể các chủng mới khác, Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch khi tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao. (Ảnh: TL.)
Đứng trước thách thức trên, ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong bằng các biện pháp như nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến, bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cố gắng nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng phát động…