Theo Science Alert, phát hiện thuộc về ông David Hole, người đã dùng máy dò kim loại để săn tìm đồ vật quý tại khu vực Công viên Vùng Maryborough, gần Melbourne (Úc). Ông phát hiện ra thứ khác thường: một tảng đá rất nặng, màu đỏ, nằm lẫn giữa đất set màu vàng.
Ông mang nó về nhà và thử mọi cách để phá vỡ ra vì tin rằng mình đã đào trúng một khối vàng, nhưng cuối cùng vô vọng vì cưa đá, máy mài, máy khoan, búa tạ... và thậm chí ngâm trong axit, khối đá vẫn không thể phá vỡ và chắc chắn nó không phải vàng. Ông "bỏ xó" nó trong nhiều năm, mới đây mới đem đến Bảo tàng Melbourne.
Thiên thạch Maryborough sau khi đã được cắt lát để nghiên cứu. (Ảnh: Bảo tàng Melbourne)
Kết quả hoàn toàn bất ngờ. Nhà địa chất Dermot Henry của Bảo tàng Melbourne mô tả trên tờ The Sydney Morning Herald: "Nó có vẻ ngoài như được điêu khắc và một vết lõm đồng tiền. Điều đó được hình thành khi nó đi qua bầu khí quyển, lớp bên ngoài bị tan chảy".
Thiên thạch được xác định có độ tuổi lên tới 4,6 tỉ năm, tức già hơn cả Trái Đất, nặng 17 kg. Các nhà khoa học đã phải dùng đến cưa bằng kim cương để cắt một lát nhỏ, từ đó xác định được nó có tỉ lệ sắt cực cao, là một thiên thạch chondrite loại H5, chứa nhiều giọt khoáng kim loại kết tinh nhỏ bên trong.
Với độ tuổi và chủng loại mà "thiên thạch Maryborough" thuộc về, nó là một báu vật vô song và có thể giúp các nhà khoa học tìm kiếm nhiều manh mối về sự hình thành hóa học của hệ Mặt Trời và các hành tinh, bao gồm Trái Đất.
Nghiên cứu về thiên thạch Maryborough vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society of Victoria.