Cụ thể, kiến nghị về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng nêu 4 giải pháp. Đó là:
Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.
Nới trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trường tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội.
Và đặc biệt là có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, ngay cả khi có tài sản đảm bảo do các ngân hàng hết hạn mức cho vay, đồng thời có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
"Lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng. NHNN thực hiện tăng lãi suất điều hành 2 đợt vào ngày 21/9 và 2/11, trái ngược với năm 2020 - 2021 hạ lãi suất điều hành 3 đợt) cũng tạo thêm khó khăn trong huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường trầm lắng, thanh khoản giảm mạnh", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.
Một trong những đề xuất đáng chú ý khác của Bộ Xây dựng là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016 khi thị trường gặp khó.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc hiện nay về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; về chọn chủ đầu tư, quyền lợi, ưu đãi dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Thực hiện có hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030; Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương.
Thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có việc dành 16.000 tỉ đồng vay ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện đang có nhiều rào cản trong cơ chế phát triển nhà ở xã hội như: chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện quy trình xác định tiền sử dụng đất dự án rồi mới làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Điều này làm phát sinh thủ tục, chi phí, thông thường các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội phải mất 1-2 năm để hoàn thành thủ tục này.
Một số bất cập khác theo Bộ Xây dựng cũng cần sớm được khắc phục như: hầu hết các địa phương chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai.
Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi tổ chức bán hàng, quản lý doanh nghiệp, việc định mức lợi nhuận dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% đã không thu hút được doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.
Liên quan đến giá bán, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm sửa đổi quy định về giao UBND các địa phương thẩm định giá bán các dự án nhà ở xã hội thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vì thủ tục này kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Về nguồn vốn trái phiếu, Bộ Xây dựng kiến nghị giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.