Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và uy tín của Bộ.
Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn hạn chế, yếu kém; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu một số đơn vị chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh - trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - từng bị lập biên bản vì hành vi nhận hối lộ, gây xôn xao dư luận.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tập trung chỉ đạo, khẩn trương tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Rà soát, bổ sung, công khai và nghiêm túc thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy chế làm việc, quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy trình, hồ sơ giải quyết công việc, các quy chế, quy định về thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, quản lý tài sản công, sử dụng các nguồn vốn của đơn vị.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính trong thực thi công vụ của công chức, viên chức; tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ phù hợp với đặc thù hoạt động của cơ quan, đơn vị…
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm giải trình. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm, sách nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ghi âm, ghi hình, ghi hình trực tuyến tại các địa điểm tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc xử lý cá nhân vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra việc công chức, viên chức và người lao động trực thuộc đơn vị mình có hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, công chức, viên chức trực thuộc, đặc biệt là các tổ chức, công chức, viên chức làm việc ở vị trí công tác có yếu tố nhạy cảm cao; có biện pháp giám sát và thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức đơn vị mình để kịp thời phát hiện vi phạm, có biện pháp xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức chủ động nghiên cứu, học tập nâng cao năng lực thực thi công vụ, trong thực hiện công việc phải tận tụy, tôn trọng và ưu tiên giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ quy chế, quy định nội bộ, không hách dịch, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; nghiêm cấm việc lợi dụng vị trí, công việc để mưu lợi cá nhân.
Giữa tháng 6 vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, cùng một thành viên trong đoàn khi đang nhận hối lộ tổng số tiền gần 250 triệu đồng từ doanh nghiệp.
Sau khi bị bắt, trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.