Sản xuất phân bón giả
Theo Bộ Tư pháp, 29 sản phẩm phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất, trước đó, đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành giám định hai lần.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra phân bón của Công ty Thuận Phong.
Lần đầu, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện, kết quả, trong tổng số 29 mẫu phân bón được giám định có 19 mẫu có kết quả không phù hợp với mức tương ứng (hàm lượng chất chính đều dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng đăng ký).
Lần giám định thứ hai do Công ty SGS Việt Nam và Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Đông Nam bộ thực hiện theo yêu cầu của Công ty Thuận Phong. Kết quả, trong số 19 mẫu phân bón mà kết quả giảm định lần đầu khẳng định là “không phù hợp với mức tương ứng” thì có tới 17 mẫu có kết quả thử nghiệm thấp hơn kết quả thử nghiệm lần đầu tiên.
“Căn cứ quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về việc xác định hàng giả, Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi sản xuất 19 loại phân bón của Công ty Thuận Phong là hành vi sản xuất phân bón giả”, văn bản Bộ Tư pháp nêu.
Vẫn theo Bộ Tư pháp, sau khi có kết quả của 2 lần giám định đối với 29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai đã thông báo cho ông Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong.
“Ông Tường đã đồng ý với các nội dung thông báo trên và ký xác nhận vào thông báo kết quả thử nghiệm lần 01 và lần 02 của Đoàn kiểm tra liên ngành”, văn bản Bộ Tư pháp cho hay.
Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa
Liên quan đến việc Công ty Thuận Phong sang chiết phân bón từ bồn nhựa 1.000 lít nhập khẩu từ Mỹ, đóng vào chai 1 lít và gắn nhãn “Made in USA” và “Produced by Bio Huma Netics, Inc…”, Bộ Tư pháp cho rằng, có quy định tương đối khác biệt về cùng một nội dung và do cùng một cơ quan ban hành.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Do dó, cơ quan này thống nhất ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ là nhãn hàng hóa gắn trên chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo về tên thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa…
Có dấu hiệu của tội buôn bán hàng cấm
Bộ Tư pháp cũng khẳng định, Công ty Thuận Phong đã đầy đủ dấu hiệu của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
Theo đó, hành vi nhập khẩu phân bón Zap của Công ty Thuận Phong, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định số lượng 550 gallon (tương đương 2.081 lít) phân bón Zap này đã nhập khẩu là số lượng lớn hoặc chứng minh được Công ty Thuận Phong đã thu lợi bất chính lớn từ việc nhập khẩu số lượng phân bón này thì hành vi nhập khẩu phân bón Zap của Công ty Thuận Phong đã đầy đủ dấu hiệu phạm tội.
Theo báo cáo của Bộ Công an, Công ty Thuận Phong nhập khẩu 7 loại phân bón để sang chiết, trong đó có phân bón Zap.
Trên cơ sở ý kiến của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT (văn bản số 2319/TT-ĐPB ngày 23/9/2013), ngày 25/10/2013, Công ty Thuận Phong đã nhập khẩu 108 lít phân bón Zap về khảo nghiệm.
Tháng 1/2014, Trung tâm khảo nghiệm phân bón Vùng Nam bộ đã có kết quả khảo nghiệm đạt chất lượng đối với phân bón này.
Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2014, Công ty Thuận Phong tiếp tục nhập khẩu 550 gallon (tương đương 2.081 lít) phân bón Zap mà không có sự đồng ý của Cục Trồng trọt.
Ngày 23/2/2017, Cục Trồng trọt có văn bản xác định số phân bón Zap chưa được công nhận là phân bón mới và chưa được đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
“Vì thế, việc Công ty Thuận Phong tiếp tục nhập khẩu 550 gallon phân Zap là hành vi nhập khẩu hàng cấm”, theo quan điểm của Bộ Tư pháp.
Video: Thêm 2 ''biệt phủ'' xây dựng trái phép, vi phạm hành lang đê ở Hải Phòng
Vụ Công ty Thuận Phong kéo dài đã nhiều năm, nhiều bộ, ngành, đơn vị đã khẳng định hành vi sản xuất phân bón giả, đã gây bức xúc trên diễn đàn Quốc hội và công luận.
Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.