Phát biểu tại đối thoại “Mount Fuji” hàng năm của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị Nhật Bản và Mỹ hôm 24/10, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Marc Knapper chi biết, nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ có thể chào đón các thành viên mới trong tương lai khi các nước tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.
“Bốn nước tham gia QUAD có cùng giá trị và lợi ích. Một khi nhóm xác định được hướng chính sách chung, họ sẽ không loại trừ việc kết nạp thêm các quốc gia khác”, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Marc Knapper cho hay.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Marc Knapper cho rằng nhóm Bộ tứ Kim Cương (QUAD) có thể kết nạp thêm thành viên trong tương lai. (Ảnh: Nikkei)
Phát biểu trước khi bắt đầu đối thoại hôm 24/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, điều quan trọng là phải tăng cường sức răn đe của liên minh Nhật - Mỹ để đảm bảo an ninh của Nhật Bản và khu vực xung quanh.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, Trung Quốc đang nâng cao năng lực quốc phòng cả về chất lượng và số lượng một cách nhanh chóng và không minh bạch. Còn Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cũng chỉ ra rằng, cán cân quyền lực đang chuyển dịch mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Katsutoshi Kawano, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết điều quan trọng là Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ phải thể hiện sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Cuộc đụng độ biên giới gần đây giữa Trung Quốc với Ấn Độ và leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với Australia trong nhiều vấn đề khiến các thành viên QUAD tăng cường hợp tác với nhau. Vẫn chưa rõ liệu các quốc gia châu Á khác có tham gia nhóm QUAD hay không”, Katsutoshi Kawano nói. Theo Kenichiro Sasae, Chủ tịch Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản, nhìn chung các nước "không muốn bị Trung Quốc bắt nạt”.
Theo Thượng nghị sĩ Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, không chỉ cần có năng lực phòng thủ tên lửa, hải quân và không quân mà còn phải phát triển khả năng về không gian và an ninh mạng để chống lại Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh hợp tác giữa các thành viên trong nhóm “Bộ tứ” (QUAD) ngày càng mạnh mẽ bởi sự hối thúc của Mỹ, Trung Quốc hoàn toàn có lý do để quan ngại trước các nguy cơ, đe dọa từ nhóm đối với lợi ích cũng như việc mở rộng ảnh Bắc Kinh ở khu vực.
“Ban đầu, cơ chế QUAD bao gồm khía cạnh kinh tế và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây nhóm này ngày càng tập trung nhiều hơn vào an ninh, trong đó Trung Quốc được xem là đối thủ tiềm tàng”, Wu Shichun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông (NISCSS), cho hay.
William Choong, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng sự hồi sinh mới nhất của QUAD diễn ra vào thời điểm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi Washington được xem là động lực thúc đẩy vai trò của QUAD trong những tháng gần đây.
Bắc Kinh dường như thể hiện mối quan ngại của mình về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington và nhóm QUAD. Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui mô tả QUAD này là "chiến tuyến chống Trung Quốc" hoặc "NATO thu nhỏ", cho rằng điều này phản ánh "tâm lý Chiến tranh Lạnh" của Mỹ.
Hiện vẫn còn câu hỏi mở vệ việc bao lâu nữa thì nhóm QUAD có thể được chính thức hóa thành một liên minh hiệp ước quân sự mang dáng dấp như NATO, song giới quan sát trong khu vực cho rằng điều đó phần lớn phụ thuộc vào Bắc Kinh.