Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tác động của dự án Cần Giờ được tính toán kỹ

(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ lưỡng tác động của dự án Cần Giờ đến hệ sinh thái tự nhiên.

Chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tiếp tục có phiên trả lời chất vấn Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) về mối quan hệ giữa phát triển và bảo vệ rừng tại dự án rừng Cần Giờ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự án đã được các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tính toán kỹ các tác động đến hệ sinh thái tự nhiên.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: "Vừa rồi ở TP.HCM có nhà đầu tư làm một dự án rất lớn, là lấn biển Cần Giờ. Các nhà khoa học và cử tri hết sức băn khoăn nó sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn, cũng là rừng phòng hộ của Cần Giờ".

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Đại biểu Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ việc "dự án vẫn triển khai vì ý định rất tốt đẹp là thúc đẩy kinh tế của TP.HCM và khu vực; đồng thời bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn".

Theo Bộ trưởng Hà, Cần Giờ là "lá phổi" của TP.HCM. Ông nhấn mạnh, trong 31.000 ha rừng dự trữ sinh quyển, có 20.000 ha do công sức lao động của Thanh niên xung phong từ năm 1979.

"TP.HCM đặt vấn đề phát triển đô thị Cần Giờ, do khi so sánh với các quận huyện thì đây vẫn là nơi có mức thu nhập thấp, đời sống chưa được cải thiện", ông Trần Hồng Hà cho biết.

Người đứng đầu Bộ TN&MT khẳng định, dự án Khu du lịch Đô thị lấn biển Cần Giờ "thực chất đã được phê duyệt từ năm 2003", với diện tích lấn biển khoảng 600 ha, đến nay nâng lên cho cả dự án đô thị là hơn 2.800 ha bao gồm diện tích chân bờ.

Trong quá trình phê duyệt dự án, Bộ TN&MT đã trao đổi với UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc). Theo đó, tại khung pháp lý của UNESCO phân ra ba vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng lân cận, bán lân cận.

Theo ông Trần Hồng Hà, dự án nằm tiếp nối với vùng bán lân cận, UNESCO đã có văn bản khẳng định đây việc đầu tư dự án dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định. Nghĩa là dự án không vi phạm quy định của UNESCO và phù hợp với luật pháp Việt Nam.

"Hiện nay, tác động của dự án đã được tính toán kỹ lưỡng. Chủ đầu tư đã mời các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước cùng nghiên cứu, đơn cử như mời tập đoàn đến từ Hà Lan tham gia thực hiện dự án. Quan điểm của chúng tôi là không thông qua đánh giá tác động môi trường khi chưa nhận dạng hết các tác động của dự án. Tất cả các vấn đề tác động đều được công khai để các nhà khoa học trong, ngoài nước nghiên cứu", ông Hà cho biết.

Được biết, dự án rừng Cần Giờ được đánh giá tác động bên trong đô thị, gồm nước sạch, chất thải, không khí; các tác động của đô thị lên môi trường tự nhiên. Qua đó xác định quá trình triển khai phải bảo tồn nguyên sinh, nghĩa là bảo đảm hệ sinh thái không thay đổi.

Lãnh đạo Bộ TN&MT tiếp tục khẳng định, khi tác động đến hệ sinh thái lấn biển, cơ quan chức năng sẽ xem xét đánh giá tác động đối với môi trường biển cũng như tác động liên quan đến các dòng chảy hải dương học, địa chất của biển. "Đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bồi lấp, xói mòn đối với các vùng ảnh hưởng khác", ông Hà nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về vật liệu san lấp, chủ đầu tư đang mời các nhà khoa học, các đơn vị liên quan nghiên cứu. "Hiện nay họ đưa ra phương án là tạo hồ rất lớn để giữ nước biển và nước ngọt ở ngay ở giữa trung tâm đô thị. Đồng thời lấy vật liệu ở đây thì sẽ san lấp ra phía ngoài. Nếu triển khai được thì đây là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề vật liệu san lấp".

Về giao thông, theo ông Hà chủ đầu tư tính toán sẽ bố trí một con đường "đi trên con đường sẵn có hiện nay, tức là phía trên rừng sác".

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, sẽ dùng con đường trên cao để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Nếu thành công, đây có thể là một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên.

Đào Bích

Tin mới