Trưa 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại khu vực thí điểm làm sạch nước theo công nghệ Nhật Bản ở Hồ Tây (Hà Nội). Tại đây, ông Hà có cuộc gặp gỡ, trao đổi với đại diện tới từ Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án, song ông cho rằng Hà Nội vẫn cần phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trực tiếp xuống kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý.
Ông Hà cho rằng, công nghệ đang áp dụng thử nghiệm tại sông Tô Lịch và Hồ Tây chắc chắn được Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng. Bằng chứng là công nghệ này hiện không chỉ áp dụng tại Nhật mà còn tại một số quốc gia khác. Nhưng tại Việt Nam vẫn chưa thể khẳng định ngay rằng công nghệ này có phù hợp hay không.
"Các hồ và sông ngòi ở Nhật Bản khác với Việt Nam. Thực tế là trước khi xả ra các sông hồ, Nhật Bản xử lý nước từ nguồn, trong khi đó, ở Việt Nam đang xả ra trực tiếp. Nhiều sông, hồ vì thế trở thành nơi chứa nước thải, trong chất thải không chỉ có hữu cơ, mà còn cả các chất vô cơ.
Tôi nghĩ các chuyên gia cần tính toán tới điều kiện tại Việt Nam. Theo tôi, cách tính toán đánh giá của phía bạn hiện nay chưa phù hợp. Giải pháp này có lẽ sẽ rất tốt trong việc xử lý tồn lưu ô nhiễm trong lòng hồ, lòng ao khi chúng ta đã xử lý tại nguồn rồi", ông Hà nói.
Một điều băn khoăn khác mà Bộ trưởng TNMT đề cập tới đó là chi phí. "Ở Việt Nam, các hồ đều là hồ mở nên nước mưa vào rất lớn, cần phải tính toán chi phí xử lý như nào để Việt Nam có thể đầu tư được.
Nếu chỉ xử lý một hồ kín, không có nước thải, chỉ cải tạo cho xong thì chúng ta cũng có thể làm được. Để việc cải tạo triệt để được thì vẫn cần xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Chỉ nơi nào cần thiết cấp bách, nếu cần đầu tư thì chúng ta mới có thể đầu tư được công nghệ này. Cần phải tính toán lại chi phí nếu áp dụng tại Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hà sau đó mời chuyên gia Nhật Bản tới trụ sở của Bộ trong một ngày để hai bên có thể trao đổi rõ hơn.
Ông Hà trong cuộc trao đổi với chuyên gia từ Nhật Bản.
Trong khi đó, Tiến sĩ Tadashi Yamanura - Chuyên gia Liên hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc Tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng thừa nhận, Việt Nam phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải từ đầu nguồn.
Tuy nhiên, ông Yamanura nói, nếu chờ hoàn thành nhà máy thì sẽ tốn thêm một khoảng thời gian và trong thời gian đó, người dân sống cạnh các dòng sông ô nhiễm vẫn phải chịu mùi hôi thối.
Nói về chi phí, ông Yamanura nhấn mạnh lại rằng chi phí đầu tư ban đầu khi sử dụng công nghệ Nhật Bản sẽ rẻ hơn xây dựng nhà máy nước Yên Xá.
"Sau khi đi vào vận hành, dự án cũng chỉ mất thêm tiền điện, mức tiêu thụ cũng rẻ hơn nhiều lần so với việc vận hành các máy sục khí tại nhà máy. Ngoài ra về vấn đề nhân công, với công nghệ Nhật Bản này chúng tôi chỉ cần chuyển giao lại và máy sẽ tự hoạt động nhờ nguồn điện mà không cần nhân công", vị chuyên gia người Nhật nói.
Nước bên trong khu vực xử lý và bên ngoài có nhiều sự khác biệt.
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và Hồ Tây được triển khai từ 16/5. Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, Công ty JVE (đơn vị thực hiện dự án) sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, sự cố xả nước Hồ Tây bất ngờ ngày 9/7 khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ hai vào ngày 17/10.
Theo kết quả sơ bộ về việc áp dụng công nghệ làm sạch nước Nhật Bản, tại sông Tô Lịch, vi sinh vật có hại giảm tới 61 triệu lần. Trong khi đó, tại khu vực Hồ Tây, vi sinh vật có lợi tăng hơn 700 lần. Nhìn bằng mắt thường không khó để phân biệt được sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài khu vực xử lý. Đàn cá được thả vào trong khu vực xử lý hiện vẫn sống khỏe, trong khi đó phía bên ngoài có hiện tượng cá chết dạt.
Hồi giữa tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá về dự án, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt.