Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng TN&MT: Nhiều nội dung luật mới thực hiện ngay, không cần hướng dẫn

(VTC News) -

Nhiều đại biểu thắc mắc việc chuẩn bị các quy định hướng dẫn đối với luật mới vừa ban hành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải thích vấn đề này.Q

Trong phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều ngày 21/6 về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, một số đại biểu đặt các vấn đề còn băn khoăn. 

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đặt vấn đề tại sao Quốc hội bấm nút thông qua mà lại yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Nhân dân.

Đồng tình với chủ trương đưa 4 luật có hiệu lực sớm đáp ứng yêu cầu thực tế, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập.

Đại biểu nhận định, nhiều cán bộ Nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào phòng lao lý cũng có một phần của sự bất cập đó. Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó. Vậy nên, các luật có hiệu lực sớm ngày nào tình trạng trên được cải thiện sớm ngày đó.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. (Ảnh: quochoi.vn)

"Tôi có đọc biên bản thảo luận tổ một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn là tại sao Quốc hội bấm nút thông qua mà lại yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành của điều khoản chuyển tiếp và của các luật", ông Đồng nói.

Đại biểu cho rằng việc xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật, Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng. Song, theo ông, mỗi vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút thì cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình.

"Tôi đề nghị trước khi thông qua luật, các cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Có như thế, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời với cử tri", ông Đồng kiến nghị.

Đại biểu đoàn Quảng Trị hoan nghênh thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tích cực lấy ý kiến các địa phương để xây dựng các văn bản dưới luật, để khi luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.

Tuy nhiên, những vấn đề được Ủy ban Kinh tế chỉ ra theo ông Đồng, cần được quan tâm đầy đủ, nhất là nhận diện, đánh giá đầy đủ các ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là sự phản ứng, tâm lý của xã hội.

Về điều kiện bảo đảm, đại biểu dẫn tờ trình của Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8.

"Tất nhiên đây được coi là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm. Điều tôi băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các Bộ, ngành ở Trung ương", ông Đồng nêu.

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với hồ sơ trình của Chính phủ và mong muốn các luật sớm có hiệu lực để giải quyết những tồn đọng của các địa phương.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: quochoi.vn)

"Hiện nay các điều của Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định rất cụ thể. Có nhiều nội dung trước đây nằm trong thông tư, nghị định thì bây giờ đã cụ thể hóa trong luật, cho nên rất nhiều nội dung chúng ta thực hiện ngay, không cần phải văn bản hướng dẫn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một nội dung nhiều đại biểu đề cập được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giải trình là việc chuẩn bị các quy định hướng dẫn nghị định, quyết định, các thông tư và hướng dẫn của địa phương. 

Ông Đặng Quốc Khánh cho biết, từ khi Luật Đất đai bấm nút vào tháng 1/2024, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh nghị định và giải quyết các thông tư.

"Có nghĩa từ khi Quốc hội bấm nút của Luật Đất đai thì cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã làm, thực hiện các nghị định và các thông tư theo quy định. Vậy nên đây không có rút gọn quy trình, tức là đã thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình và chất lượng của các nghị định, các thông tư không rút gọn", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng).

Một số quy định chuyển tiếp từ Điều 253 đến Điều 260, Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ 1/1/2025.

Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, song có 2 khoản (khoản 3, Điều 200 và khoản 15, Điều 210) có hiệu lực từ 1/1/2025, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản.

Do vậy, khi thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi, thì cần thiết phải sửa đổi hiệu lực các khoản này để bảo đảm áp dụng đồng bộ quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Anh Văn

Tin mới