Hôm 5/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov nói khi những hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Ukraine vào năm ngoái, chúng “có độ chính xác cao”.
Tuy nhiên, ông Aleksey Reznikov thừa nhận Nga - quốc gia có hệ thống vô tuyến điện tử mạnh, cuối cùng đã tìm ra cách gây nhiễu cho pháo dẫn đường bằng GPS, trong đó có HIMARS.
Hình ảnh tên lửa được phóng ra từ hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất. (Ảnh: Defense News)
“Đây là một cuộc chiến của công nghệ”, Bộ trưởng nói, mô tả cuộc xung đột đang diễn ra giữa Kiev và Moskva, đồng thời cho biết người Nga luôn tìm cách đưa ra biện pháp đối phó mới trước các loại vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Theo Bộ trưởng Reznikov, Ukraine là bãi thử tốt nhất đối với ngành công nghiệp quân sự của thế giới. Ông nói, các nước phương Tây “có thể kiểm chứng vũ khí của họ có hoạt động hay không, mức độ hoạt động hiệu quả và liệu chúng có cần được nâng cấp hay không”.
Ukraine đã được viện trợ hàng chục hệ thống tên lửa HIMARS, có tầm bắn từ 85 km, từ tháng 6 năm ngoái. Truyền thông phương Tây mô tả hệ thống này như là nhân tố thay đổi cục diện trong cuộc xung đột.
Hồi tháng 5, CNN trích dẫn nguồn tin từ Mỹ, Anh và Ukraine, cho biết các bệ phóng tên lửa đa năng do Mỹ thiết kế "ngày càng kém hiệu quả" trước sự ngăn chặn quyết liệt của lực lượng Nga. Theo CNN, thiết bị gây nhiễu điện tử của đối phương khiến hệ thống định vị mục tiêu được dẫn đường bằng GPS của tên lửa HIMARS bắn trượt mục tiêu.
Trong suốt cuộc xung đột, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá hủy hàng chục hệ thống HIMARS thông qua việc sử dụng máy bay không người lái kamikaze và hỏa lực pháo binh. Tuy nhiên, Kiev và Washington bác tuyên bố này.
Moskva nhiều lần cảnh báo, việc Mỹ và đồng minh chuyển giao vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine có thể vượt qua "lằn ranh đỏ" và dẫn đến leo thang chiến sự. Theo phía Nga, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội của Kiev đồng nghĩa với phương Tây tham gia vào xung đột.