Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” sáng 15/3, báo cáo với Thủ tướng, ông Hùng nêu 5 nguyên nhân của thực trạng du lịch Việt Nam "đi trước về chậm".
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo về tình hình du lịch sau 1 năm mở cửa. (Ảnh VGP/Nhật Bắc).
Thứ nhất là do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
Thứ ba, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Ngành du lịch đặt ra các mục tiêu năm 2023: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Muốn đạt được điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu loạt giải pháp. Cần định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử, du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu; Xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
Cơ cấu lại thị trường du lịch, nhất là tính toán lại thị trường khách, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số nơi khác ngoài các thị trường truyền thống.
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên, hệ thống lễ hội, làng nghề, truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương...để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia.
Bộ trưởng cũng đề xuất Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Trước đó, phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.
"Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?", Thủ tướng nêu loạt câu hỏi.