Chiều 23/10, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Nói về những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, Bộ trưởng cho biết, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài.
Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%, nợ xấu có xu hướng tăng, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VPQH)
Sau đại dịch COVID-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.
Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; cắt giảm thủ tục hành chính có lúc có nơi còn chậm, thiếu quyết liệt, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập…
Bộ trưởng cũng cho biết, những hạn chế, bất cập, khó khăn là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo; trong khi nước ta là nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, cần thời gian để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Công tác nắm tình hình có lúc còn chưa sát, tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, có trường hợp thận trọng quá mức, chưa tận dụng hết các cơ hội.
Cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác tổ chức thực hiện có lúc có nơi còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.
Để giải quyết những khó khăn này, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, giải quyết hiệu quả các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, vừa tập trung xử lý các nhiệm vụ thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo, xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.
Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh những khó khăn tồn tại, thì nền kinh tế cũng đạt được một số thành tựu nổi bật. Điển hình là quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi.
Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ trong khó khăn; dịch vụ, du lịch phát triển khá sôi động, phục hồi nhanh sau dịch COVID-19. Năm 2023, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại trong những tháng đầu năm nhưng đã chuyển biến tích cực hơn.
Bội chi NSNN 03 năm 2021-2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH), trong phạm vi mục tiêu đề ra.