Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng GTVT thông tin việc nghi dùng cát biển làm nền cao tốc khiến lúa chết

(VTC News) -

Trước thông tin nghi dùng cát biển làm nền cao tốc khiến lúa chết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định khu vực lúa chết "chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả".

Ngày 14/6, tại phiên thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo về thông tin một số diện tích lúa tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) giáp cao tốc Hậu Giang - Cà Mau bị chết, nghi ngờ do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án này "chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả" và nguồn cát sử dụng cho dự án được kiểm soát chặt chẽ, không "làm dối" được.

Tư lệnh ngành Giao thông vận tải đề nghị cần đưa thông tin chính xác, thận trọng về nội dung này để không ảnh hưởng tới chủ trương đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, để đánh giá một cách đầy đủ, thận trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu lý do khiến lúa chết.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tạo phong trào phát triển hạ tầng trên cả nước. "Công trình ở đâu thì người dân và địa phương hưởng lợi tới đó", Thủ tướng nói.

Với một số vướng mắc nổi lên được nêu tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất, về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là ở địa phương như: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.

Thứ hai, về hạ tầng kỹ thuật, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc di dời các công trình kỹ thuật giao chéo đường cao tốc.

Thứ ba, về vấn đề vật liệu xây dựng cho dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long và Vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu trong 5 ngày tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục triệu tập hội nghị tại Bến Tre để giải quyết dứt điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Thứ tư, về vướng mắc liên quan việc thi công ban đêm, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường đối thoại với người dân; vận động người dân ủng hộ việc thi công "3 ca, 4 kíp"; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý nghiên cứu thời gian thi công phù hợp để tác động thấp nhất tới cuộc sống người dân.

Thứ năm, về thủ tục đầu tư dự án hợp tác công tư (PPP), Thủ tướng nhắc các tỉnh phải chủ động, tích cực xử lý vấn đề theo thẩm quyền.

Thứ sáu, Thủ tướng quán triệt Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu về mặt bằng, nguyên vật liệu…

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức, các nhà thầu thi công triển khai với tinh thần "3 ca, 4 kíp", vượt nắng, thắng mưa" để đưa công trình về đích đúng kế hoạch.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Tuyên Quang - Hà Giang, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tình trạng mua bán thầu, thông thầu… Đồng thời, truyền thông khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình trong triển khai các dự án.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ rà soát, phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Các dự án được Thủ tướng yêu cầu phấn đấu khởi công trong năm 2024 gồm: dự án thành phần 3 của dự án Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình đầu tư theo phương thức PPP), Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ giao các Bộ, ngành và địa phương phấn đấu khởi công dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình, chậm nhất là ngày 2/9.

Với các dự án đang thi công xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh thi công dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh. 

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, TP.HCM và Hà Nội căn cứ trên kết quả làm việc với Bộ Tài chính để chủ động triển khai các công việc, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục giải ngân vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị; chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên.

Anh Nhật

Tin mới