Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, mặc dù trường có diện tích rộng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện giãn cách khi học sinh đi học.
Hiện trường sắp xếp cho học sinh thực hiện ngồi so le, nhưng chưa thể đúng hoàn toàn theo quy định. Đặc biệt, trường gặp khó khăn về bố trí giáo viên đứng lớp. Cụ thể, trường 47 lớp học nhưng sau khi chia ca, số lớp lên tới 94.
Riêng khối lớp 12 cần đảm bảo 100% lên lớp trực tiếp cộng với học trên truyền hình. Trong khi nhiều học sinh có kết quả học online chưa tốt trường vẫn phải bố trí giáo viên hỗ trợ. Vì vậy trường luôn trong tình trạng co kéo bố trí giáo viên phù hợp đảm bảo dạy đầy đủ kiến thức cho học sinh.
“Sau thời gian nghỉ gần 3 tháng, khi học sinh trở lại trường, các thầy cô giáo đều sẵn sàng hỗ trợ hết mức với lịch học chia ca hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài cần xem xét lại”, bà Huyền nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi thăm học sinh trong ngày đầu tới trường.
Ghi nhận sự nỗ lực của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thấu hiểu với những khó khăn chung của ngành giáo dục đang gặp phải. Bộ trưởng đề nghị thầy, cô tiếp tục kiên trì vượt lên khó khăn lúc này, cố gắng vì quyền lợi và sự an toàn của học sinh.
Mặc dù dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn có. Vì vậy, ngành giáo dục phải kiên trì. Riêng với học sinh đang ở độ tuổi chưa ý thức hết việc phải giữ gìn vệ sinh và khoảng cách an toàn, nếu không may các em bị nhiễm hay dấu hiệu bị nhiễm thì khả năng mang lại rất nhiều rủi ro.
Về việc bố trí an toàn khi học sinh quay trở lại trường, Bộ trưởng cho rằng, các trường học tham chiếu theo 15 tiêu chí đánh giá, tuỳ theo tình hình cơ sở vật chất các trường “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tránh trường hợp máy móc. Tuy nhiên các trường vẫn phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh tự bảo vệ bản thân phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với những nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc dạy học giữa mùa dịch COVID-19.
Cùng với đó, để hoàn thành thời gian dự kiến kết thúc năm học là 15/7, và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT các địa phương, Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị các thầy cô giáo cần tiếp tục phát huy dạy- học trực tuyến, truyền hình. Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành bài thi tham khảo nhằm định hướng các em lớp 12 cuối cấp ôn tập tốt hơn.
Sở GD&ĐT Hà Nội dựa vào tình hình thực tế có thể xem xét tăng số lượng, kiến thức học trực tuyến cho khối lớp 12, còn thời gian học trực tiếp trên lớp để dành ôn luyện. Như vậy sẽ giải quyết được việc giãn khoảng thời gian học giữa các khối lớp, tránh tập trung đông.
Tới đây Bộ sẽ ban hành quy chế công nhận chính thức việc dạy- học trực tuyến. Điều đó sẽ đỡ đi được nội dung học trực tiếp trên lớp, giải quyết được một số vấn đề về thiếu giáo viên trong thời gian tới. Đây sẽ là công cụ giúp ngành giáo dục tiến tới xây dựng nền giáo dục thông minh.
Trong trường hợp việc tổ chức dạy học vẫn gặp khó khăn thì theo Bộ trưởng GD&ĐT "có thể để lại một số nội dung dạy học sang đầu năm học mới". Việc này cần triển khai linh hoạt, dựa trên điều kiện thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyên môn trong nhà trường phổ thông thời gian này cũng không nên quá nặng nề, gây căng thẳng cho thầy, trò.
Video: Học sinh ngày đầu đến lớp sau đợt tạm nghỉ vì dịch COVID-19