Chiều 1/6, báo cáo trước Quốc hội về vấn đề tăng học phí năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, thành phố quyết định mức học phí tuỳ theo vùng miền được quy định cụ thể trong Nghị định 81 của Chính phủ.
Theo đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để quyết định mức học phí cho phù hợp, không vượt khung. Hải Phòng đã thông báo miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp, một số nơi cũng cân nhắc các mức theo quy định.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)
Với các trường đại học, Nghị định 81 cũng quy định tuỳ theo mức độ tự chủ. Nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên, một phần chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần theo quy định trong nghị định này.
Trường đạt chuẩn kiểm định quốc gia, quốc tế được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự tính toán và quyết định. Đây là quyền tự chủ các trường đại học.
"Tuy nhiên, căn cứ tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội, Bộ GD&ĐT nhiều lần trao đổi và gửi công văn tới các bộ, ngành, địa phương đề nghị giữ ổn định mức học phí trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay", ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Cụ thể, tháng 8/2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong tình hình dịch bệnh. Ngày 24/5, Bộ cũng đề nghị các địa phương, trường đại học lưu ý cần căn cứ tình hình thực tế để đưa ra mức thu học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các đơn vị có chính sách miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách đến trường. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giải trình với người học, xã hội về các mức thu.
Trong tháng 5/2022, nhiều địa phương công bố dự thảo tăng học phí năm học 2022 - 2023. Trong đó, Hà Nội dự kiến mức học phí vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng/tháng. Hai vùng 3 và 4 thấp hơn, từ 100.000 - 200.000 đồng (vùng 3) và 50.000 - 100.000 đồng (vùng 4). Mức học phí tăng gấp đôi so với năm học 2021 - 2022.
Tại TP.HCM, mức học phí dự kiến tăng mạnh. Ở nhóm 1, học phí tăng mạnh nhất ở bậc THCS, từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng. Ở nhóm 2, mức học phí cũng tăng mạnh nhất ở bậc THCS, từ 30.000 đồng/tháng lên 100.000 đồng/tháng. Cụ thể:
Việc các địa phương, trường đại học tăng học phí năm học 2022 - 2023 không nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh và chuyên gia. Các chuyên gia đều cho rằng, trong bối cảnh kinh tế bắt đầu hồi phục sau COVID-19, xuất hiện vấn đề lạm phát, giá xăng, các mặt hàng tăng mạnh thì không nên tăng học phí, giảm gánh nặng cho phụ huynh và xã hội.