Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời PV Báo điện tử VTC News về những nhiệm vụ trọng tâm, chính sách cần tập trung tháo gỡ, phát triển liên quan đến giáo viên, học sinh, sinh viên cả nước.
- Thưa Bộ trưởng, 2023-2024 được cho là năm thành công với ngành Giáo dục, vậy ông đánh giá thế nào về những việc ngành đã đạt được?
Năm học 2023-2024 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện nghị quyết. Đây là tiền đề đặc biệt quan trọng để toàn ngành Giáo dục, xã hội cùng chung tay tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong bối cảnh, tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Năm học vừa qua cũng là năm ghi nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng với giáo dục mầm non, cấp học nhiều khó khăn nhất. Tôi đánh giá, nhiều “điểm nghẽn” của cấp học này đang dần được tháo gỡ thông qua việc xây dựng chương trình mầm non mới, xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay,được coi là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 thành công tốt đẹp. Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025 (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được thông qua với sự đồng thuận rất cao từ xã hội.
Năm học vừa qua tiếp tục là năm thành công khi các đội tuyển thi Olympic khu vực và quốc tế mang về 10 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 9 huy chương đồng và 1 bằng khen. Đáng chú ý, đội tuyển Hóa đứng thứ 2; đội tuyển Sinh học đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các quốc gia dự thi. Học sinh Việt Nam cũng giành thành tích tốt nhất (giải nhì) kể từ khi tham dự Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Mỹ.
Với giáo dục đại học, kỳ tuyển sinh ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký lớn nhất trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng cao và có tính cạnh tranh lớn. Đây là dấu hiệu đáng mừng của những điều chỉnh chính sách với nhà giáo. Tôi tin các chính sách điều chỉnh lương cơ sở tác động tốt tới tâm lý, đời sống nhà giáo.
- Năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục nhiều địa phương vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Một số giáo viên được giao kiêm nhiệm dạy 2 - 3 môn/phần nội dung kiến thức. Bộ GD&ĐT giải quyết bài toán này thế nào?
Hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng thêm 19.474 giáo viên. Tuy nhiên, số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng.
Năm học qua số lớp bậc THCS tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), số lớp bậc THPT tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học trước, dẫn đến số giáo viên còn thiếu ở hầu hết các địa phương.
Năm học mới, số giáo viên còn thiếu tăng 19.856 giáo viên (trong đó, số giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856). Tôi cho rằng, nguyên nhân chính do học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Ví dụ, mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.
Để giải quyết vấn đề này, trực tiếp tôi và Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ cùng học sinh.
- Vấn đề tăng lương, thu nhập cho giáo viên thì sao thưa Bộ trưởng?
Trong những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng tiền lương và thu nhập của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu trang trải cuộc sống, chưa đủ để nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và gắn bó với nghề.
Mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2024 được điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng đến 2,34 triệu đồng/tháng cũng giúp cải thiện phần nào thu nhập của đội ngũ nhà giáo khi bước vào năm học mới.
Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập, làm căn cứ để thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm; nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo nghị định quy định về phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo, trong đó đề xuất với cấp có thẩm quyền tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, đưa đội ngũ nhân viên trường học vào nhóm được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề với mức phù hợp.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Đồng thời, tôi tiếp tục cho rà soát các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập làm căn cứ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành phù hợp với thực tiễn, giúp nhà giáo tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, đồng thời làm cơ sở xây dựng chính sách tiền lương mới khi Luật Nhà giáo được thông qua.
Tuy nhiên, tôi cần nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực quốc gia cũng như trong mối tương quan với các ngành nghề khác; rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ của các nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của toàn ngành.
Tôi cũng đánh giá cao các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh.
Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên. Đặc biệt, Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn...Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra với vấn đề đội ngũ.
- Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Bộ GD&ĐT có định hướng, kế hoạch tổ chức hay có sự thay đổi, cải tiến nào, thưa Bộ trưởng?
Sau 4 năm triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024-2025, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới.
Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD&ĐT có những chuẩn bị từ các năm học trước. Đơn cử như phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD&ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi. Dự kiến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của quy chế cũng được tính đến trong quá trình xây dựng dự thảo.
Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị chuyên môn, Bộ GD&ĐT cũng đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng.
Cùng với đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ GD&ĐT cũng nhiều điều chỉnh trong công tác tuyển sinh. Bộ đang gấp rút rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các trường đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lắng nghe học sinh chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng gửi gắm gì tới giáo viên, học sinh, sinh viên?
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Năm học mới, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.
Cùng đó, tôi và Bộ GD&ĐT luôn xác định, kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GD&ĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Năm học 2023-2024 kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.
Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Tôi chúc các thầy cô sẽ có thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc các em học sinh, sinh viên năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!