Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa gửi báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết 88 và 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Trong đó, người đứng đầu ngành giáo dục chỉ rõ nguyên nhân giá sách mới cao hơn 2 - 3 lần so với sách cũ.
Sách giáo khoa viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới (đang áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10) được quản lý theo quy định tại Luật giáo dục, Luật giá, Luật xuất bản. Sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá.
Sách giáo khoa lớp 6, chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không phê duyệt giá, không quyết định giá và không can thiệp vào quyền tự định giá của các đơn vị.
Theo ông Sơn, trước đây, cả nước áp dụng một bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện cả nước có 7 nhà xuất bản đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Trên cơ sở phê duyệt các sách của Bộ trưởng GD&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của các đơn vị theo quy định pháp luật về giá.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT ban hành 32 văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là các chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận... nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Theo đó, các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa so với lần kê khai trước, mức giảm phổ biến 5-15% tùy sách.
Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia, có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, hình thức, nội dung. "Tuy nhiên, đi cùng với đó là một số bộ sách giáo khoa mới có giá cao hơn so với sách cũ với các lý do chính như khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn", Bộ trưởng nói.
Mặt khác, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công... hiện đều tăng cao so với trước đây. Một số chi phí như bản thảo, nhuận bút lần đầu trước đây được ngân sách nhà nước chi trả, nay không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nữa nên đã tính vào giá. Bên cạnh đó còn phát sinh một số chi phí gắn với việc xã hội hóa như quảng bá, giới thiệu sách, lợi nhuận...
Sau thời gian dài nghiên cứu, làm việc, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV tháng 6/2022, Quốc hội quyết định bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá khi sửa Luật giá. Hiện dự thảo Luật giá sửa đổi đã có nội dung này, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Giá sách giáo khoa mới cao gấp nhiều lần sách cũ là vấn đề gây tranh luận trong 4 năm qua, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, năm học 2020.
Trong các năm qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính nhiều lần đề nghị các đơn vị tham gia biên soạn, in ấn, phát hành phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội. Bộ GD&ĐT cũng từng kiến nghị giá sách mới không vượt mức sách cũ.
Tuy nhiên, đại diện các nhà xuất bản khi đó đều khẳng định giá sách không thể bằng hoặc thấp hơn sách cũ vì nhiều lý do, dễ thấy nhất là hình thức, khổ sách, số lượng trang đã thay đổi theo chương trình mới. Sách cũ khổ nhỏ, giấy xấu hơn, vì thế bộ sách giáo khoa cũ giá 50.000-100.000 đồng; sách giáo khoa mới giá 200.000-300.000 đồng tùy từng loại. Ngoài ra, sách được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần như sách cũ, nên chi phí được tính thêm vào giá.