Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người dân còn đói thì cán bộ đừng nghĩ đến việc về nhà

(VTC News) -

Trả lời trước Quốc hội về việc hỗ trợ người dân trong đại dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tinh thần người dân còn đói thì cán bộ đừng nghĩ đến việc về nhà.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người dân còn đói thì cán bộ đừng nghĩ đến việc về nhà

Chiều 10/11, trả lời vấn đề của đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục tình trạng chậm triển khai hỗ trợ người dân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp lãnh đạo đã giao Bộ đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cán bộ trong ngành đã làm ngày làm đêm, thứ bảy, chủ nhật nào cũng làm.

"Tinh thần tôi nói thẳng là người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà! Anh em đều rất quán triệt rất kỹ. Các chính sách này triển khai xây dựng chính sách rất nhanh. Chúng tôi đã cố gắng hết mức, chỉ những việc vượt luật thì để lại, còn vướng mắc nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình sửa ngay", Bộ trưởng Dung chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các chính sách theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 không thể nào thông thoáng hơn, có chính sách như hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không phải kê khai gì, chỉ chờ tiền về tài khoản. Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 126.

Tuy nhiên, ông Dung cũng thừa nhận, việc triển khai có nơi còn cứng nhắc, máy móc. Ông dẫn chứng, có một địa phương chỉ chi tiền ăn hỗ trợ F0 và trẻ em phải cách ly mà trình bày 3 trang giấy về vướng mắc.

“Tôi phải nói, các đồng chí cứ làm đi, tiền ăn của F0 và trẻ em mà sai thì tôi chịu trách nhiệm. Từ đó địa phương mới cho thanh toán”, Bộ trưởng Dung chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta thấy rất rõ phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ.

Do đó, trong Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, chúng ta có những chính sách dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Gần đây trong phiên làm việc giữa Thủ tướng với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được Thủ tướng giao nhiệm vụ đến đầu năm 2022 xây dựng chính sách riêng dành cho phụ nữ.

Vì vậy, trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong 7 nhóm giải pháp thì đã có một nhóm giải pháp dành riêng cho hỗ trợ lao động nữ, trong đó có hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp có thể lên tới gấp 3 lần so với bình thường, Bộ trưởng nêu rõ.

Bên cạnh đó, về hỗ trợ trong chương trình bình đẳng giới, Bộ sẽ phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng một đề án trong chiến lược 10 năm tới về phát triển và bảo đảm quyền bình đẳng giới, nhất là tiếp cận các quyền cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Xuân Trường - Quang Tuyền

Tin mới