Nội dung được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương sáng 7/1.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Theo ông Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
"Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm …", ông Tuấn Anh nói.
Năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành Công Thương từng bước khắc phục, chuyển hóa được những khó khăn, thách thức đặt ra với ngành ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Kết quả, năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh.
Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 5,99% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Hoạt động xuất khẩu dù chịu nhiều thách thức do xung đột thương mại Mỹ - Trung, dịch COVID-19… nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 vẫn tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra 10%.
Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 1,6 lần từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517,7 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 vẫn đạt khoảng 543,9 tỷ USD.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả các FTA với các đối tác, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn là CPTPP, EVFTA…