Cộng đồng mạng gần xôn xao với bức ảnh các bậc phụ huynh dạy con làm bài tập về nhà theo kiểu chẳng giống ai: Bố tự trói tay, mẹ chui đầu vào tủ lạnh.
Lý giải về việc làm này, người cha trong bức ảnh cho biết đây là biện pháp anh chọn để kiềm chế cơn giận khi ngồi dạy học cậu con trai lớp 4. Cùng với hình ảnh tự trói tay của người bố, khoảnh khắc bà mẹ chui đầu vào tủ lạnh hạ hoả khi dạy con học cũng được chia sẻ mạnh mẽ trên diễn đàn của các phụ huynh.
Bức tranh phổ biến ở mọi gia đình
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những hình ảnh phản ánh đúng thực tế đang diễn ra ở các gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ với các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học. Cùng với các trách nhiệm như cơm, áo, gạo tiền, hiếu lễ, nhiều phụ huynh trở về nhà lại mang thêm nhiệm vụ là "thầy cô" khi phải dạy con làm bài tập về nhà, dù chẳng có chuyên môn gì.
"Cuộc sống cơm ba bữa, chu toàn cho gia đình, về đến nhà tôi gần như tả tơi. Đến giờ học của con dường như tôi rút cạn hết sức lực còn sót lại để giảng giải những thứ con chưa hiểu trên lớp. Nhưng làm gì có chuyên môn và kiên nhẫn để dạy con nên nhiều lúc bất lực, cứ quát mắng con suốt thôi", chị Ngọc Minh chia sẻ trên diễn đàn.
Hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây.
"Nhiều khi cũng muốn bình tĩnh giải thích cho con nhưng giảng giải mãi con không hiểu được cũng ức chế, bốc hỏa thật sự. Chồng lại đi làm cả ngày, một mình mình quần quật chẳng nhờ được ai", chị Lan Anh Phạm bày tỏ.
Còn đối với anh Đỗ Duy Linh, việc dạy con thực sự đòi hỏi phải có kỹ năng. "Tôi có hai cô con gái sinh đôi mới lên lớp 2 nên hoàn toàn đồng cảm với phụ huynh trong câu chuyện. Trẻ con rất mất tập trung. Mình có thể tâm huyết dạy nhưng chúng lại rất ham chơi... Đang học chúng có thể quay sang kể chuyện trên lớp, vẽ tranh. Nếu bản thân không biết cách kiềm chế rất dễ nạt nộ con. Rồi lại khóc lóc, gào thét. Thực sự việc dạy học cho con là một áp lực khá lớn đối với riêng tôi".
"Người cha làm như vậy sẽ khiến con cảm nhận thấy bố mẹ đã hy sinh vì mình ra sao. Có thể nhờ đó chăm chỉ hơn, học tốt hơn", tài khoản Minh Trí đồng tình.
Sự bất lực từ phía phụ huynh
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá cho rằng phụ huynh đang tự tạo áp lực cho bản thân khi đặt ra mục tiêu "con toàn diện" và áp mục tiêu đó cho chính con cái của họ.
"Tự trói tay bản thân hay nhét đầu vào tủ lạnh. Bạn nghĩ làm vậy con cái sẽ cảm thấy bạn đang hy sinh? Vậy thì bạn đã đánh giá quá thấp chính con mình rồi. Một đứa trẻ khi nhìn vào hình ảnh đó sẽ cảm thấy sự bất lực từ cha mẹ. Tại sao lại không thể trò chuyện, thuyết phục chúng theo cách khác? Hãy học cách làm bạn với con trước khi bắt chúng trở thành nạn nhân của áp lực gia đình", người dùng có tên Việt Phương gay gắt cho hay.
"Những đứa trẻ không cần thiết phải chịu những áp lực như vậy. Ở lứa tuổi nào việc học cũng nên là việc tự nhiên, gò ép chỉ khiến bố mẹ ức chế, con cái cũng vì thế mà không vui với việc mình đang làm. Chưa kể sẽ xảy ra hiện tượng học chống đối, học cho có vì con bị áp lực quá nặng nề", chị Nguyễn Mai Anh cho hay.
Một tài khoản Facebook khác bình luận: "Nhà mình con cũng toàn tự học, bố mẹ không tham gia, cái gì không hiểu tự tìm tư liệu trên mạng hoặc hỏi bạn, hỏi cô".
Phụ huynh là giáo viên có nickname Lâm Phạm bày tỏ: "Tôi là giáo viên, thậm chí dạy lớp con nhưng cũng không kèm thêm tí nào. Bên cạnh đó, đi họp phụ huynh, tôi vẫn nói, việc của phụ huynh là dạy những thứ ngoài nhà trường, còn trong nhà trường là việc của giáo viên. Nhắc nhở, rèn cho chúng thêm ý thức, kĩ năng là điều cần nhất".
"Bản thân không có chuyên môn thì nên tìm thầy, tìm thợ dạy con chứ. Thể hiện cho chúng biết sự bất lực, bốc hỏa của bản thân thì có ích lợi gì? Ngày trước tôi đã từng bất lực khi dạy con học, bất lực vì cách chúng học khác xa cách mình được dạy ngày xưa...
Thậm chí, tôi còn khóc trước mặt con, bảo 'khó quá mẹ không biết làm sao để con hiểu được con đâu'. Lúc đấy con tôi sợ quá ra lau nước mắt cho mẹ rồi bảo 'thôi mẹ ơi, mai con đến lớp hỏi cô, hỏi các bạn, mẹ đừng khóc nữa...'. Cảm giác làm mẹ nhưng không giúp được cho con mình thật sự rất khó chịu", tài khoản Lê Phương Liên viết.
Rõ ràng, bố mẹ nào cũng tha thiết làm điều tốt nhất cho con, hướng con đền những điều hoàn mỹ nhất. Tuy nhiên, vì quá chú trọng vào mục tiêu của bản thân nên quên mất đứa trẻ đang mong muốn điều gì. Thậm chí, vô tình ép chúng trở thành bản sao của mình trước đây vì bị đè nặng bởi áp lực cuộc sống.