Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả liên kết đào tạo nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam

(VTC News) -

Trường Đại học Ngoại thương xây dựng thành công bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả  chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam.

Trường Đại học Ngoại thương vừa chính thức đưa vào áp dụng thí điểm sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại trường ĐH Ngoại thương”.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, việc đánh giá chất lượng các chương trình liên kết với nước ngoài được lượng hóa thành bộ chỉ tiêu với 6 tiêu chí cụ thể và trọng số được tính trên thang điểm 100.

Trường Đại học Ngoại thương xây dựng thành công bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả  chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD& ÐT) tính đến tháng 7/2020, khoảng 192.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng 50.000 sinh viên ở Mỹ và bắc châu Mỹ, 40.000 sinh viên ở châu Âu...

Cùng với đó, hơn 21.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, chưa bao gồm số lượng sinh viên trao đổi học tập ngắn hạn. Số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập tăng khoảng 10%/năm trong vòng 5 năm gần nhất.

Như vậy, có thể thấy rằng không chỉ nhu cầu học tập nước ngoài cũng như tại các chương trình quốc tế của sinh viên Việt Nam ngày càng gia tăng mà sinh viên quốc tế cũng đang lựa chọn Việt Nam là để điểm đến để học tập, nghiên cứu.

Đáp ứng nhu cầu này, cũng như tăng cường cơ hội trao đổi chương trình đào tạo, chuyển giao học liệu, gia tăng giá trị đào tạo cho chương trình đào tạo trong nước, ngày càng nhiều trường đại học Việt Nam thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín của nước ngoài.

Cũng theo thống kê của Bộ GD& ÐT, Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, cùng 352 chương trình liên kết đào tạo. Trong năm 2020, Bộ GD&ÐT đã rà soát và chấm dứt hoạt động của 200 chương trình quốc tế không hoạt động hiệu quả. Số lượng các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học ở nước ngoài không ngừng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để quản lý cấp phép, gia hạn, chấm dứt các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, chính phủ đã ban hành quy định cụ thể trong Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá chưa được lượng hóa cụ thể, chưa tính đến các giá trị gia tăng cho nhà trường như giá trị về mặt chương trình, lan tỏa thương hiệu.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngoại thương đã đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại trường ĐH Ngoại thương” với 6 tiêu chí cụ thể.

Các tiêu chí bao gồm: Chất lượng của chương trình; Giá trị gia tăng đối với chất lượng cán bộ, giảng viên của nhà trường; Hiệu quả về tài chính; Giá trị gia tăng cho cơ sở vật chất; Giá trị gia tăng cho chương trình trong nước; Giá trị gia tăng cho thương hiệu của nhà trường.

PGS. TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết: "Thông qua việc áp dụng thí điểm bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là sản phẩm đề tài nghiên cứu cấp cơ sở của nhóm nghiên cứu trực thuộc trường, chúng tôi mong muốn sẽ có được một trong những căn cứ quan trọng để nhà trường điều chỉnh các chương trình quốc tế của trường, nhân rộng mô hình các chương trình đang hoạt động tốt nhằm mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất cho người học cũng như mạnh dạn dừng các chương trình hiện không còn hiệu quả".

Hội đồng đánh giá hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của  trường Đại học Ngoại thương đã được thành lập và họp rà soát hiệu quả lần lượt toàn bộ 20 chương trình của nhà trường. Cho tới nay 5 chương trình đã được hội đồng thống nhất chấm dứt hoạt động do không còn hiệu quả.

Một tiết học cùng giảng viên nước ngoài của sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế trường Đại học Ngoại thương.

Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định tại “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” diễn ra vào tháng 10/2020.

Với tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc du học, trải nghiệm học tập tại nước ngoài vẫn còn khó khăn với phần lớn sinh viên thì các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là một trong những giải pháp để học sinh Việt Nam vẫn được học tập trong môi trường và chương trình giáo dục quốc tế tốt, được kiểm định và chuyển giao từ các trường Đại học nước ngoài uy tín.

Chính vì vậy, yêu cầu cần đặt ra lúc này là cần thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế chất lượng tại Việt Nam.

Thiếu Huyền

Tin mới