Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bỏ 'tiên học lễ' là để mầm ác tự do trỗi dậy

(VTC News) -

Bỏ "tiên học lễ" không khác gì bỏ đi phần học làm người” - hành trang quan trọng nhất mà mỗi người sống có được, để cho mầm ác tự do trỗi dậy.

Tại hội thảo do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phát biểu rằng cần chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn. Theo lập luận của GS Thêm, việc đề cao chữ Lễ sẽ tạo ra ràng buộc cho người học, sẽ khó có thể tạo ra tư duy phản biện để giải phóng sức sáng tạo.

Tôi cho rằng việc đề cao chữ Lễ ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến việc GS Thêm đang nói. Nội hàm của chữ Lễ không mang trong nó việc ràng buộc sức sáng tạo của người học. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” có từ rất lâu đời, được dùng làm khẩu hiệu ở nhiều trường học, từ cấp 1 cho tới cấp 2 – cấp 3, nó chỉ nhấn mạnh vào việc trau dồi đạo đức cho mỗi con người ngay từ khi còn là một đứa trẻ, ngay từ lúc mới chập chững bước vào môi trường học đường.

Với khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", trẻ được rèn về đạo đức ngay từ những ngày đầu đến trường. (Ảnh: VietNamNet)

Chữ Lễ, hiểu theo nghĩa hẹp là lễ phép, là sự tôn kính với các thầy cô. Còn hiểu theo nghĩa rộng, chữ Lễ đồng nghĩa với đạo đức của mỗi người. Việc tiến hành giáo dục từ trước đến nay ở nhà trường, như ta thấy, thường được làm song song giữa dạy kiến thức và dạy cả lối sống, cách ứng xử. Khẩu hiệu trên muốn nhấn mạnh vào vế thứ nhất, là cái nền tảng đạo đức cơ bản cần có của mỗi người, chứ không phải hiểu theo nghĩa “tuân thủ theo thầy một cách mù quáng”.

Aristotle cách đây hơn 2.000 năm đã nói một câu nổi tiếng trong cuộc tranh luận với thầy mình là Platon: “Thầy đã quý nhưng chân lý còn quý hơn”. Từ hàng ngàn năm trước, người trí thức đã nhận ra được giá trị và tầm vóc của việc phản biện, dám nghĩ dám làm, không ngại sự khác biệt, thậm chí đối lập với thầy. Vậy cớ gì sau hơn 2.000 năm, GS Thêm còn phải lo lắng băn khoăn về chuyện đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một câu nói tương tự trong việc đề cao giá trị đạo đức của mỗi con người, trong tương quan với giá trị về mặt kiến thức, tài năng: “Có tài mà không có đức thì cũng là vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo, được viết ở nhiều trường học từ trước đến nay đã trở thành một nét đẹp, một giá trị văn hóa, nhắc nhở học sinh về tầm quan trọng của việc hình thành nền tảng đạo đức trong mỗi con người, cũng là câu bày tỏ lòng tri ân của xã hội đối với thầy cô giáo, những người có trách nhiệm to lớn trong việc đào tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước.

Việc đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tại tất cả các trường học là cực đoan, chưa hiểu đúng về ý nghĩa của nó, chưa hiểu đúng về thông điệp được nhắn nhủ, gửi gắm trong đó của cha ông. Và nhất là, bỏ "Tiên học lễ" thì quá nguy hiểm.

Lễ nghĩa không liên quan đến tư duy sáng tạo. Lễ nghĩa chính là nền tảng đạo đức để các em hình thành nhân cách bước vào đời. Bỏ học lễ tức là bỏ đi phần “học làm người” - hành trang quan trọng nhất mà mỗi người sống có. Ấy cũng là gieo mầm thiện cho xã hội. Bởi vậy, bỏ “tiên học lễ” không khác gì bỏ đi phần học làm người, là để cho mầm ác tự do trỗi dậy.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Đỗ Anh Vũ

Tin mới