Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Tài chính lấy ý kiến Bộ Công Thương về chi phí nhập xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết ngày 4/11, Bộ này đã có công văn gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

 

Đến chiều 4/11, Bộ Tài chính cho biết vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí nhập xăng dầu. (Ảnh: Việt Linh)

Bộ Tài chính vừa có thông tin cập nhật liên quan việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể, Bộ này cho biết nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung mặt hàng thiết yếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất, kiến nghị của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ngày 4/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính ngay trong ngày 4/11 để kịp thời điều chỉnh trong kỳ điều hành gần nhất.

Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan quản lý tài khóa, đến chiều nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có thông báo điểm mặt 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 2/11 vẫn chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Các doanh nghiệp đầu mối này bao gồm Công ty CP dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát, Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P, Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty CP Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

Bộ Tài chính cho biết để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, các đầu mối xăng dầu phải báo cáo các nội dung theo yêu cầu, chậm nhất trong ngày 3/11. Bộ cũng nhấn mạnh các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và chứng từ kèm theo.

Trong ngày 2/11 trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc phối hợp cung cấp các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá, làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí. Với nội dung này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp và có thông tin trả lời trước ngày 5/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu, trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi 33 doanh nghiệp đầu mối, phân giao sản lượng nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết trong 3 tháng cuối năm, Bộ sẽ phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho các doanh nghiệp đầu mối, bao gồm hơn 2,2 triệu m3 xăng, hơn 3,1 triệu m3 dầu diesel, hơn 8.200 m3 dầu hỏa và hơn 110.000 tấn dầu mazut.

Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với hơn 2,1 triệu m3 xăng dầu. Bao gồm, 35.000 tấn dầu mazut, 1,04 triệu m3 xăng, 1,07 triệu m3 dầu diesel và 8.287 m3 dầu hỏa.

Tương tự, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà được phân giao 340.000 m3 xăng, dầu. Trong đó có 3.000 tấn dầu mazut, còn lại là xăng và dầu diesel; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và Tổng công ty thương mại xuất khẩu Thanh Lễ cùng được giao nhập 185.000 m3 xăng, dầu; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp là 149.000 m3…

Nguồn: Zing News

Tin mới