Sáng 26/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình trước Quốc hội 3 nhóm vấn đề, gồm tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, giảm bội chi ngân sách và tái cơ cấu lại nợ công. Các dự án luật về thuế cũng được ông Đinh Tiến Dũng dành nhiều thời gian giải thích.
Khối FDI chỉ nộp 10% thuế thu nhập doanh nghiệp
Về tái cơ cấu ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Bộ Chính trị và Quốc hội đã giao nhiệm vụ này thông qua các nghị quyết cụ thể. Khẳng định thu ngân sách đều vượt dự toán trong các năm 2016, 2017, nhưng Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận nhiều nguồn thu đang giảm dần.
Việt Nam đã giảm nhiều nghĩa vụ nộp thuế cho doanh nghiệp. Ví như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 23% xuống còn 20%. Tính chung các khoản ưu đãi, thực chất doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế thu nhập khoảng 15%. Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI được nhận nhiều ưu đãi nên chỉ nộp khoảng 10%.
Thu ngân sách trung ương cũng giảm dần như các ĐBQH nêu. Theo đó, giai đoạn 2016-2017, thu ngân sách Trung ương đạt khoảng 56-57% tổng thu. Trong khi giai đoạn trước bình quân là 61%.
Ông chỉ ra nguyên nhân chủ yếu bởi nguồn thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu, nguồn mà ngân sách trung ương được hưởng 100%, đã giảm mạnh. Tỷ trọng thu dầu thô từ 16% trên tổng thu năm 2011, nay còn 3,8%. Tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 21,6% năm 2011 xuống còn 15,4% năm 2017.
“Việc cắt giảm sắc thuế nhanh và cao hơn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng ảnh hưởng đến thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu mà ngân sách trung ương được hưởng 100%. Trong khi việc tăng thu lại chậm”, Bộ trưởng nói.
Việc giảm thu cũng bắt nguồn từ việc nhiều bộ ngành chưa chấp hành kỷ luật, kỷ vương tài chính theo pháp luật. Tình trạng chấp hành kỷ luật thu ngân sách ở nhiều nơi còn chưa nghiêm, kể cả FDI và ngoài quốc doanh. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thu ngân sách thiếu thuế, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế.
Không tăng thuế VAT, thuế tài sản sẽ tiếp tục nghiên cứu
Để tăng nguồn thu, Bộ Tài chính cho biết sẽ hoàn thiện quy định pháp lý, đảm bảo chặt chẽ, phân loại rủi ro, đẩy mạnh truy thu thuế. Bộ này cũng sẽ hoàn thiện thể chế về thu ngân sách, trong đó có định hướng xây dựng luật về thuế.
Về thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đồng ý tiếp thu ý kiến phản biện và giữ mức thuế phổ thông 10%, không nâng lên 11-12% như dự thảo. Bộ cũng sẽ kết cấu lại các hàng hóa, dịch vụ được hưởng thuế VAT 0%, 5%, không chịu thuế, đảm bảo công bằng, hạn chế ảnh hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Về thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý với yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.
Với thuế tài sản đang lấy ý kiến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định tiếp tục nghiên cứu. Mục tiêu của sắc thuế này là tạo công bằng xã hội, định hướng thị trường, công khai minh bạch tài sản, phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.
“Tăng thu ngân sách khi đánh thuế tài sản cũng là một mục tiêu, nhưng là thứ yếu. Phương án vừa rồi trình có nhiều ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh trong thời gian tới”, ông nói.
Vấn đề nợ công, Bộ trưởng cho biết tốc độ tăng nợ công đã giảm một nửa trong giai đoạn 2016-2017. Hiện chỉ còn 9,6%/năm so với bình quân 18,1% giai đoạn trước. Nợ công giảm từ 63,6% GDP cuối năm 2016, xuống còn 61,4 % GDP cuối năm 2017.
Ông cũng thừa nhận việc quản lý tài sản công còn nhiều bất cập. Đặc biệt là nhà đất công, các dự án BT. Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ chấn chỉnh thực trạng trên thông qua Luật Tài sản công.
Video: Xăng dầu gánh thêm thuế, dân phải chi thêm bao nhiêu tiền?