Nghỉ hè dài, thay vì chọn cả ngày ngồi sử dụng điện thoại, ti vi, nhiều phụ huynh chọn cho con tham gia hoạt động vui chơi hè ngoài chơi. Cũng chính vì điều đó lớp đào tạo kỹ năng sinh tồn ra đời, giúp trẻ có thể trải nghiệm những kỹ năng sống sót trong rừng, tự tạo ra lửa để nấu ăn, trồng cây bảo vệ rừng.
Anh Phan Mạnh Hà (người sáng lập trại hè TeensCamp) chia sẻ: “Lớp học vượt khó sinh tồn được lập ra lấy cảm hứng từ cách tôi chăm sóc con, khi chúng càng lớn những kỹ năng sống khi ấy rất cần thiết. Cùng với những buổi học thực hành, còn có chuyên gia tâm lý giúp các em học sinh có thêm kỹ năng làm việc nhóm, đặt ra mục tiêu cho bản thân, biết cách nói từ chối…”.
Lớp học kéo dài 1 tuần, đây cũng là lúc các học sinh tạm rời xe những chiếc điện thoại, xa gia đình, người thân. Theo quy định, mỗi ngày các em chỉ được sử dụng 30 phút để gọi điện về cho gia đình.
Thời gian từ 6h sáng đến 21h30 các em sẽ được dạy nhiều kỹ năng. Mỗi lớp có 25 em đang ở độ tuổi khoảng từ 9-15 tuổi đến từ Hà Nội ban đầu còn đầy e ngại, nhưng chỉ sau 1 ngày được ghép cặp, tìm người bạn thân, làm việc nhóm giúp khả năng giao tiếp thay đổi nhanh chóng.
Anh Hà kể: “Mới bắt đầu trại hè, các em đều được giáo viên giữ hộ điện thoại, có em đang chơi với bạn được chút đã đến xin tôi cho mượn lại, có trẻ vì quá nhút nhát đến mức vào trại hè không biết nói gì. Các thầy cô đã giúp các em tìm được 3 người bạn, có buổi chia sẻ kỹ năng và làm việc nhóm, chỉ đến ngày thứ 2 các em dễ dàng hòa nhập cùng mọi người”.
Trong 1 tuần trải nghiệm, kỹ năng sinh tồn trong rừng và tạo ra lửa là những buổi trải nghiệm mà các em học sinh mong chờ nhất. Các em được tạo ra lửa bằng bộ dụng cụ sinh tồn, đi kiếm củi và làm ra chiếc bếp dã chiến, nấu cơm bằng niêu đất và tự nướng thức ăn.
Vũ An Bình Minh (ở giữa, 12 tuổi, trú tại Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) chia sẻ: “Em rất thích việc đi kiếm củi nấu cơm, vì ở nhà chỉ cần cho cơm đổ nước còn đâu nồi cơm sẽ tự động nấu. Nấu cơm bằng bếp củi phải để ý nhiều hơn, chỉ cần một chút lơ là, để lửa to là cơm sẽ cháy”.
Trẻ sẽ được dạy cách biết tìm nguồn nước sạch, tìm hướng đi thông qua la bàn, đánh dấu hướng đi trên thân cây để ghi nhớ được đi, di chuyển xuống sườn dốc bằng dây thừng…
Những kỹ năng, kiến thức học sinh được dạy được xem là những cách sinh tồn cơ bản nhất, giúp sống sót trong những trường hợp đặc biệt.
Có thêm bạn mới khiến em Nguyễn Trần Bảo Ngọc (10 tuổi) kể: “Được đi trại hè em có thêm những người bạn mới. Em thích nhất vào rừng tìm nước sạch trong những ống tre. Những trải nghiệm thú vị trong ngày khiến em không còn "nghiện" sử dụng điện thoại”.
Ngoài kỹ năng sinh tồn trong rừng, mỗi em học sinh được học cách trồng cây, bảo vệ rừng.
Sau khi hoàn thành buổi dã ngoại và trồng cây gây rừng, Phạm Khánh An (10 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) mong rằng từ việc làm nhỏ này để bảo vệ môi trường xanh.
Ngoài ra, kỹ năng phòng chống đuối nước cũng là buổi học đặc biệt hữu ích. Theo anh Hà, rất nhiều trường hợp trẻ em đuối nước lao xuống sông cứu bạn...
Thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang – Giảng viên chuyên ngành tâm lý học (khoa Kiến thức Cơ bản, trường Đại học Văn hoá Hà Nội) cho hay, việc đứng lớp, rèn luyện kỹ năng sống tại trại hè được ban tổ chức đan xen những bài khác nhau, trong đó bài về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, mỗi bài đặt ra những mục tiêu khác nhau. Ví dụ như bài học về quản lý cảm xúc, các học sinh sẽ nhận diện cảm xúc, nhận diện của những loại cảm xúc đó trên khuôn mặt, biết quản lý cảm xúc của riêng bản thân.
“Kỹ năng sống quả thực rất quan trọng, đôi khi vì các em dành nhiều thời gian cho các môn học, quên đi kỹ năng sống. Qua đây các em biết kết nối với người khác, thấu hiểu bản thân mình và tự có những kế hoạch, lộ trình phấn đấu cho riêng bản thân”, thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang chia sẻ.