Chiều 8/4, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu cập nhật về tình hình các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: TTXVN)
Đầu tháng 3, Philippines thông tin hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tuy nhiên không đánh bắt cá. Philippines gửi công hàm phản đối trong khi Trung Quốc nói các tàu này chỉ đang trú bão.
Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước", Người phát ngôn nêu rõ.
Cũng liên quan đến tình hình trên Biển Đông, bình luận về khả năng Mỹ có phản ứng trước các hành động hung hăng của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hòa bình, ổn định trên Biển Đông là mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, trong khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi các nước đóng góp vào hiện thực hóa mục tiêu này.
"Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, thiện chí thực hiện luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an toàn, an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Từ 1/4, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Về việc có đề cập đến vấn đề Biển Đông tại Hội đồng Bảo an hay không, Bộ Ngoại giao cho biết, với cương vị Chủ tịch, Việt Nam đang tích cực, chủ động và có trách nhiệm thực hiện các công việc của tháng theo quy định, thủ tục của Hội đồng bảo an.
Chương trình nghị sự gồm 12 vấn đề định kỳ, 3 cuộc họp định kỳ và 30 cuộc họp chính thức khác. Bên cạnh đó, Hội đồng bảo an có thể thảo luận tình hình vấn đề và khu vực phát sinh trong tháng của các nước và thành viên.