Anh Trần Văn Hai (quê ở Thanh Hoá) vốn là một công nhân nhà máy may tại Hà Nội, lương tháng của anh Sơn chỉ 8 - 9 triệu đồng, nhưng công việc ổn định. Nếu tăng ca, mức lương thêm khoảng 2 -3 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập này, sinh sống ở Hà Nội cũng không mấy dư dả nhưng cũng không phải quá khó khăn.
Năm 2021, khi thấy cơn sốt đất tại Thanh Hoá đang nóng, anh Hai đã quyết định bỏ nghề may, về quê làm môi giới nhà đất.
“Lương của tôi tuy đủ sống nhưng để mua nhà cửa với sau này lấy vợ, nuôi con thì rất khó khăn. Bạn bè tôi ở quê nhiều người làm môi giới đất cát tháng kiếm vài chục triệu đến cả trăm triệu”, anh Hai chia sẻ.
Nhiều người bỏ nghề đi buôn đất nhưng cuối cùng cũng không giữ nổi nghề. (Ảnh minh hoạ).
Dù anh Hai là lao động giỏi, công ty cũng nhiều lần nói chuyện muốn giữ anh ở lại làm việc, nhưng quyết là làm, anh Hai vẫn rời Hà Nội về Thanh Hoá làm môi giới nhà đất.
3 tháng đầu tiên làm môi giới, anh Hai khá hào hứng vì thị trường đang nóng, giá đất tăng cao, nhiều người dân muốn bán và cũng nhiều khách hỏi mua. Có tháng anh Hai kiếm được gần trăm triệu đồng từ việc môi giới.
Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, người bán vẫn có nhưng khách mua gần như không mấy ai quan tâm. Cả tháng anh Hai không bán được mảnh đất nào, trong khi vẫn phải mất chi phí đăng tin, bài cả chục triệu đồng/tháng.
Không bán được đất, tiền tích luỹ cũng vơi dần, anh Hai chán nản lại quyết định rời quê trở lại Hà Nội.
Anh quay trở lại công ty để xin việc nhưng vị trí của anh đã có người thay thế. Anh Hai tìm kiếm thêm vài công ty may nhưng mức lương khá thấp, công việc lại không đều nên anh quyết định chuyển sang làm xe ôm.
“Tôi được một xưởng may nhận vào làm nhưng lương chỉ 3 -4 triệu/tháng. Mức lương này không chỉ cho tôi chi trả cuộc sống ở Hà Nội, chạy xe ôm tháng tôi cũng được 5 - 6 triệu đồng”, anh Hai chia sẻ.
Từng là dân văn phòng, chị Trần Mai Quyên (Hải Dương) cũng đã bỏ nghề để chuyên tâm "săn đất". Hiện chị Quyên sống tại Hà Nội. Ngày nào chị cũng cùng nhóm bạn bàn về đất đai, và đi thị trường tỉnh để săn đất. Có nguồn hàng thì lướt, nguồn hàng để lâu rồi chốt lời cao. Thời điểm đất ven đô Hà Nội sốt, nguồn thu nhập của chị Quyên gấp nhiều lần so với thời điểm đi làm văn phòng.
"Người ta hay nói vui, làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất, câu này đúng với lúc thị trường sốt. Nhưng khi cơn sốt qua đi, những khó khăn của thị trường khiến nhóm đầu tư của chúng tôi chao đảo”, chị Quyên chia sẻ.
Cụ thể, nhóm đầu tư của chị Quyên có 4 người, mỗi người góp 3 tỷ đồng để chung vốn đầu tư. Hiện số tiền này đã chôn ở 3 lô đất tại Thạch Thất (Hà Nội).
“Lúc thị trường nóng, chúng tôi vừa mua đã bán lãi vài trăm triệu đồng, nhưng đến nay, thị trường chững lại, bán vài tháng chưa có người mua. Tiền thì chôn vào đất, đất thì đứng yên, không bán được, không có tiền chi tiêu, tôi phải vay mượn bạn bè để có tiền nộp học cho con”, chị Quyên chia sẻ.
Chị Quyên cho biết, chị muốn bán rẻ để thu hồi tiền, nhưng 3 người bạn của chị không đồng ý.
“Thời gian tới, nếu vẫn không bán được đất, chắc tôi phải bán trà đá hoặc xin việc gì đó để làm để sống qua ngày”, chị Quyên chia sẻ.
Không thể phủ nhận, đất đai là một loại hình đầu tư sinh lời, thậm chí lời rất nhiều, để không cũng tăng giá trị. Bởi lý do này mà nhiều người đổ xô đi buôn đất, canh thời điểm để đầu tư, kiếm lời.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều gì cũng có mặt trái của nó. Nghề nào, kênh đầu tư nào cũng có khả năng rủi ro nếu người đầu tư thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ trước khi ném tiền vào. Những "bong bóng" đất vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khiến không ít người giàu lên bất thường, nhưng cũng nghèo đi bất ngờ. Cho nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư không bao giờ thừa.
Cũng theo một vị đầu tư trong ngành, nhiều người cứ nghĩ có tiền là đầu tư bất động sản được. Thế nhưng, ngoài tài chính thì kinh nghiệm, kiến thức mới giúp nhà đầu tư trụ lâu dài trên thị trường bất động sản.